Đơn giản thủ tục đấu thầu để tăng hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và những vấn đề mới phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thời gian qua cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp, theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh quy trình lựa chọn nhà thầu (LCNT) và nhà đầu tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng.
Hầu hết các khâu trong đấu thầu đều có thể thực hiện trên Hệ thống và việc áp dụng đấu thầu qua mạng đã trở nên phổ biến, ổn định và mang lại hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên
Hầu hết các khâu trong đấu thầu đều có thể thực hiện trên Hệ thống và việc áp dụng đấu thầu qua mạng đã trở nên phổ biến, ổn định và mang lại hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên

Trong khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều phương diện kinh tế - xã hội, thì theo các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư, công tác tổ chức LCNT gần như vẫn tiến hành bình thường, vì toàn bộ quá trình đều được thực hiện trên môi trường mạng, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.

Điều này là minh chứng thiết thực về hiệu quả của việc đẩy mạnh đấu thầu qua mạng (ĐTQM) trong hơn 10 năm qua,. Hầu hết các khâu trong đấu thầu đều có thể thực hiện trên Hệ thống và việc áp dụng ĐTQM đã trở nên phổ biến, ổn định và mang lại hiệu quả.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính chung cả năm 2020, ĐTQM giúp tiết kiệm khoảng 1.725 tỷ đồng chi phí hành chính trực tiếp. So với đấu thầu truyền thống, chủ đầu tư/bên mời thầu trung bình tiết kiệm được 6 ngày, quy đổi theo chi phí tiền lương/ngày công là khoảng trên 500 tỷ đồng; các doanh nghiệp tiết kiệm được 5 triệu đồng chi phí hành chính. Năm 2020 có khoảng 98.000 gói thầu áp dụng hình thức LCNT qua mạng và trung bình có 2,5 nhà thầu tham dự/gói thầu, như vậy, số chi phí hành chính mà nhà thầu tiết kiệm được lên tới 1.225 tỷ đồng.

Ghi nhận những bước tiến mạnh mẽ đó, nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai ĐTQM trong thời gian tới, bởi đây cũng là xu hướng chung, phù hợp với chủ trương, chiến lược về chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, cần cải tiến hơn nữa thủ tục, quy trình đấu thầu, đặc biệt là ĐTQM, nhằm chuẩn hóa tất cả các khâu trong đấu thầu, tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các bên trong quá trình tổ chức LCNT.

Cụ thể, một số ý kiến đề xuất rút ngắn các mốc thời gian trong quá trình LCNT, nhất là đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh, bởi hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) đã đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và một số nội dung đã được Hệ thống tự động đánh giá. Thời gian phát hành hồ sơ cũng được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay, vì hồ sơ được phát hành ngay tại thời điểm công bố thông báo mời thầu).

Về quy trình đấu thầu chung, Bộ KH&ĐT đề xuất nên sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ bớt khâu thẩm định, phê duyệt ở các bước trung gian như: thủ tục thẩm định kế hoạch LCNT, HSMT… Các mốc thời gian cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp và bảo đảm tương thích với các tính năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Đồng thời, cần có quy định thống nhất, cụ thể các mốc thời gian tối đa, tối thiểu cho từng chủ thể tham gia vào quá trình LCNT, nhà đầu tư nhằm tiết kiệm thời gian tổ chức LCNT, nhà đầu tư, nhưng vẫn bảo đảm các mục tiêu cơ bản của công tác đấu thầu. Để tiết kiệm thời gian thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, có thể cho phép thực hiện các hoạt động lập, phê duyệt HSMT, HSYC, tổ chức LCNT trước khi dự án được phê duyệt (hành động trước).

Để tạo sự đồng bộ và thống nhất trong mua sắm, đấu thầu, theo Bộ KH&ĐT, các thủ tục đấu thầu sẽ được tối đa hóa trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (kê khai về năng lực, kinh nghiệm…) hình thành cơ sở dữ liệu về nhà thầu, nhà đầu tư. Các tác vụ đấu thầu đều thực hiện trên Hệ thống thay thế cho việc phải thực hiện trực tiếp như hiện nay (thực hiện bảo lãnh dự thầu online, đánh giá HSDT tự động, phê duyệt các hồ sơ trên Hệ thống thay cho thẩm định, phê duyệt trực tiếp như hiện nay, ký kết hợp đồng trực tuyến…). Các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng tích hợp, lồng ghép với pháp luật chuyên ngành về đầu tư, đất đai…

Tin cùng chuyên mục