Quyết tâm chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh của Chính phủ sẽ tạo động lực cho tương lai tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Ảnh: Văn Cường |
Băng qua gian khó
2 năm qua, trong khi nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái, khủng hoảng hoặc tăng trưởng rất thấp do đại dịch Covid-19 và những biến cố kinh tế - chính trị toàn cầu thì nền kinh tế Việt Nam đã từng bước đi qua gian khó, thích ứng và phục hồi tăng trưởng. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 đạt 2,91%; năm 2021 đạt 2,58%, nhưng 6 tháng đầu năm 2022 đã trở lại mức 6,42% - tương đương đà tăng trưởng cao trước khi đại dịch xảy đến.
Khi nói về Việt Nam, điểm được các tổ chức quốc tế ghi nhận đầu tiên là sự ổn định của kinh tế vĩ mô, với lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Lãi suất và tỷ giá cơ bản ổn định; nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ thấp hơn các nước khu vực và thế giới; dự trữ ngoại hối được củng cố (cuối năm 2021 dự trữ ngoại hối đạt 110 tỷ USD, tương ứng khoảng 17 tuần nhập khẩu, cao hơn rất nhiều so với mức 9 - 12 tuần giai đoạn 2016 - 2020).
Trong gian khó của đại dịch, Việt Nam tiếp tục “thắng lớn” trên mặt trận đối ngoại và hội nhập quốc tế. Theo đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng về Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021 (tăng 3 bậc, lên thứ 47 - theo Brand Finance). Việt Nam liên tục tăng hạng trong bảng Chỉ số phục hồi Covid-19 do Nikkei công bố. Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc năm 2021, với nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế, giải quyết các thách thức của khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, tháng 5/2022, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong ASEAN được S&P nâng hạng tín nhiệm lên mức BB+ (từ mức BB) với triển vọng "Ổn định"… Trong nước, niềm tin kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, thể hiện qua việc số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt kỷ lục: trên 133.000 doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, trong bức tranh có nhiều gam màu sáng của nền kinh tế Việt Nam, cũng còn nhiều khoảng tối khi thực tế, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rời khỏi thương trường mỗi tháng; rủi ro tài chính - tiền tệ, rủi ro an ninh năng lượng và lương thực gia tăng... Cùng với đó, giải ngân đầu tư công còn chậm; cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém, các doanh nghiệp nhà nước còn chậm; nhiều nguồn lực kinh tế còn bị kìm hãm, làm giảm khả năng phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả…
Theo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), năm 2021 kết cấu hạ tầng của Việt Nam chỉ xếp thứ 79/135 quốc gia, có khoảng cách lớn so với Singapore (xếp thứ 15), Malaysia (51), Thái Lan (61). Việt Nam xếp thứ 79/135 về nguồn nhân lực, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao, chất lượng đại học lần lượt xếp thứ 68/135 và 79/135. Trong khi đó, chỉ có 64,5% lao động đã qua đào tạo, trong đó chỉ có 24,5% có bằng cấp, chứng chỉ… Dù còn nhiều việc phải làm, nhưng trong tương quan với quốc tế, Việt Nam xứng đáng tự hào khi đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng, hướng đến mục tiêu đưa nền kinh tế tiến lên…
Chọn tăng tốc để về đích
Giai đoạn 2023 - 2025 có ý nghĩa đặc biệt trong thực thi các mục tiêu tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Để về đích, không có cách nào khác là nền kinh tế phải tăng tốc tăng trưởng. Theo đó, năm 2022, tăng trưởng GDP cần đạt 6,8 - 7,2% và sau đó cần đạt 6,5 - 7% giai đoạn 2023 - 2025. Lạm phát cần được kiểm soát ở mức 4%, thâm hụt ngân sách dưới 4% GDP, để tạo tiền đề cho nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Thách thức, khó khăn luôn song hành, nhưng nhìn từ nội lực nền kinh tế sẽ thấy, có nhiều động lực để đặt niềm tin, giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế Việt Nam sẽ về đích như kế hoạch. Động lực nền tảng và dài hạn là việc Quốc hội thúc đẩy tiến trình hoàn thiện, đổi mới thể chế. Luật Giao dịch điện tử; Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Bảo hiểm tiền gửi… đang đồng thời được xây dựng, sửa đổi với tinh thần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tháo gỡ rào cản, tạo động lực phát triển kinh tế. Động lực trực diện là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 đang và sẽ tác động cả phía cung và cầu, thúc đẩy hoạt động đầu tư, tạo đà tăng trưởng mới. Trong kịch bản khả thi cao, các gói hỗ trợ được giải ngân đến 90% cho giai đoạn 2022 - 2023, tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8 - 7,2% năm 2022 và 7 - 7,5% năm 2023. Ở kịch bản kém khả quan hơn, nếu tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ đạt 70% cho cả 2 năm, tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn 0,8 - 1 điểm %.
Việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu được thực hiện bằng các hiệp định song phương, đa phương đang và sẽ tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong 2 năm qua, đại dịch làm đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa toàn cầu, nhưng vượt qua gian khó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục phá kỷ lục: năm 2020 là 543,9 tỷ USD; năm 2021 là 670 tỷ USD. Trong bối cảnh mới, quyết tâm của Chính phủ chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh sẽ tạo động lực cho tương lai tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Thông tin, dữ liệu được xây dựng; nhân sự số và an ninh mạng được tăng cường…, tạo cơ sở cho nền kinh tế chuyển mình sang tăng trưởng nhanh, tăng trưởng xanh và bền vững. Dòng chảy giao thương giữa Việt Nam với quốc tế sẽ còn ghi những kỷ lục mới khi thế giới ngày càng ưu tiên chọn các sản phẩm, dịch vụ và hợp tác với các đối tác tuân thủ quy chuẩn bảo vệ môi trường.
Trong vài năm gần đây, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong GDP của Việt Nam đang có sự chuyển dịch tích cực. Dự kiến đến năm 2025, 3 nhóm ngành chính là công nghiệp chế biến - chế tạo, thương mại, du lịch chiếm khoảng 80% trong GDP Việt Nam. Công nghiệp chế biến - chế tạo phát triển và ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp năng suất - chất lượng cao sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo xu hướng sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ mới, Nhóm nghiên cứu cho rằng, cơ hội sẽ ngày càng rộng mở với các doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề có tiềm năng phát triển song hành cùng xu thế, gồm ô tô, đồ điện gia dụng, chế biến lương thực - thực phẩm, du lịch, công nghệ thông tin - viễn thông...