Kể từ đầu năm đến giữa tháng 4-2016 đồng yen đã tăng giá 9,61% so với đồng đô la Mỹ |
Hãng tin CNBC nhận xét trong lịch sử, mỗi khi đồng yen mạnh lên một cách đầy ấn tượng là dấu hiệu thời điểm thị trường chứng khoán toàn cầu “lâm nạn”. CNBC thậm chí còn chạy một bài viết với cái tựa “ăn khách” rằng có thể có một sự kiện thiên nga đen tiếp theo (This could be the next black swan event).
Kể từ đầu năm đến giữa tháng 4-2016 đồng yen đã tăng giá 9,61% so với đồng đô la Mỹ. Sau khi lùi đến 125,85 yen/đô la Mỹ vào giữa năm ngoái nhờ sự can thiệp mạnh bạo bằng các đợt bơm tiền và chính sách lãi suất ban đầu 0%, sau đó là âm của Ngân hàng Trung ương Nhật, đồng yen có ngày đã tiệm cận 107,6 yen/đô la Mỹ. Một nhân viên kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng ở TPHCM dự đoán viễn cảnh 100 yen/đô la không còn xa, đồng thời nhắc lại cái thời 80 yen/đô la Mỹ.
Trong khi đó, Bloomberg tường thuật lại phát biểu của các lãnh đạo tài chính Nhật tại cuộc họp G20 mới đây, nhấn mạnh Nhật sẵn sàng can thiệp nhằm ngăn sự lên giá hơn nữa của đồng yen. Tuy nhiên, các nước khác lại không bày tỏ sự đồng tình giải pháp can thiệp, mà khuyến cáo Nhật nên tập trung vào nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần lữa trong việc nâng lãi suất, không chỉ Nhật mà nhiều quốc gia phải quay sang “chống đỡ” sự lên giá của đồng nội tệ. Bốn tháng rưỡi qua giá trị đồng euro tăng 3,9% so với đô la Mỹ; đô la Canada tăng 7,42%. Những tưởng các biến động tiền tệ bên ngoài không ảnh hưởng đến Việt Nam bởi tỷ giá đô la Mỹ/đồng từ đầu năm đến nay tương đối ổn định, đồng Việt Nam còn lên giá 0,85% so với đô la Mỹ, nhưng thực tế không phải vậy.
Tỷ giá đô/đồng được kiểm soát, song tỷ giá tiền đồng với các ngoại tệ khác lại được thả nổi. Do các ngân hàng lấy tỷ giá đô/đồng tham chiếu chéo, nên sự biến động của tỷ giá tiền đồng với các ngoại tệ khác có “dịu” đi khi tiền đồng tăng giá so với đô la Mỹ thời gian qua. Ngày 31-12-2015 một yen đổi được 187,86 đồng (tỷ giá của Vietcombank) và nó chạy lên 199,39 đồng vào ngày 31-3-2016. Sự biến động của euro tương ứng 24.708 đồng/euro và 25.425 đồng/euro. Chỉ riêng trong quí 1-2016, yen lên giá 6,14% và euro lên giá 2,9% so với tiền đồng.
Chưa bao giờ sự hội nhập và biến động tài chính thế giới lại ảnh hưởng đến túi tiền quốc gia sát sườn đến thế!
Ngay lập tức các doanh nghiệp có dư nợ vay bằng đồng yen và euro phải trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá nhiều hơn, lợi nhuận tụt giảm, có trường hợp lỗ. Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC-Hose) lỗ chênh lệch tỷ giá quí 1-2016 (theo báo cáo tài chính quí) 261,5 tỉ đồng, khiến lợi nhuận cả quí âm 157 tỉ đồng. Đến cuối tháng 3-2016 Phả Lại còn số dư nợ tới 22,2 tỉ yen. Năm ngoái năm kia, cổ đông PPC vui mừng vì đồng yen mất giá bao nhiêu, thì năm nay họ buồn vì đồng yen tăng giá bấy nhiêu. Họ sẽ còn buồn hơn khi đồng yen vẫn chưa chấm dứt chuỗi ngày bứt phá về giá trị.
Công ty Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2-Hose) đến hết năm trước còn dư nợ vay 113 triệu euro. Quí 1 năm nay số tiền chênh lệch tỷ giá mà NT2 phải trích dự phòng cho khoản vay trên lên tới 81 tỉ đồng. Công ty Xi măng Bỉm Sơn (BCC-Hnx) cũng phải trích lập 27 tỉ đồng cho khoản vay 37,6 triệu euro còn lại. Con số trích lập của Công ty Xi măng Hà Tiên (HT1-Hose) cho khoản vay 65 triệu euro là 46,6 tỉ đồng.
Đối tượng thứ hai bị ảnh hưởng bởi sự lên giá của các đồng tiền mạnh là các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, máy móc thiết bị từ Nhật hay khối các nước sử dụng đồng euro. Công ty Hoa Sen (HSG-Hose) sản xuất tôn thép có gần 70% nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật cho mặt hàng này. Các công ty dược phẩm, thiết bị y tế được phép xuất nhập khẩu thuốc và các biệt dược từ châu Âu đang bị tăng thêm chi phí đầu vào và có thể phải nâng giá bán hàng nhập tại thị trường nội địa.
Ngược lại, các đơn vị xuất khẩu vào Nhật và châu Âu có thanh toán bằng đồng yen và euro được hưởng lợi. Công ty Minh Phú chuyên xuất khẩu tôm vào Nhật có lẽ cảm thấy “dễ thở” hơn nếu đồng yen phá vỡ ngưỡng cản 100 yen/đô la Mỹ.
Ở tầm quốc gia, trong cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam, một tỷ trọng không nhỏ là bằng đồng yen. Gần đây trong các bản tin nợ công, được công bố hàng quí, Bộ Tài chính không còn phân biệt rõ “nợ nước ngoài của Chính phủ theo loại tiền”. Tuy nhiên từ năm 2013 trở về trước, trong Bản tin nợ nước ngoài, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, thống kê khá rõ dư nợ bằng các ngoại tệ mạnh của Việt Nam. Theo đó, dư nợ bằng đồng yen luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và ở vị trí dẫn đầu, có thời điểm cao gần gấp đôi nợ bằng đồng đô la Mỹ. Điều này có thể hiểu được bởi các khoản vay ODA hay các khoản vay ưu đãi của Nhật đều được giải ngân bằng đồng yen.
Không biết hiện tại dư nợ bằng đồng yen trong tổng nợ nước ngoài của quốc gia ở mức nào, nhưng bất kỳ sự lên giá nào của đồng yen cũng khiến cho việc trả nợ gốc và lãi tăng lên nếu tính ra tiền Việt. Như vậy, ngân sách sẽ phải bỏ ra một khoản nhiều hơn dự kiến. Ngược lại ngân sách sẽ “thở phào nhẹ nhõm” nếu đồng yen đến cuối năm hay đến điểm trả nợ định kỳ, vì một lý do nào đó, lại chạy về 125-130 yen/đô la Mỹ. Đồng yen lên xuống đâu phải chỉ phụ thuộc vào nền kinh tế Nhật vốn đang trì trệ 15 năm nay vì giảm phát, mà còn do đầu cơ quốc tế. Chưa bao giờ sự hội nhập và biến động tài chính thế giới lại ảnh hưởng đến túi tiền quốc gia sát sườn đến thế!