Cầu Rạch Miễu chỉ có 2 làn xe nên thường xuyên quá tải, ùn tắc giao thông. Ảnh: Bắc Bình |
Khó khả thi nếu đầu tư theo hình thức PPP
Bộ GTVT cho biết, từ năm 2009 đến nay, Quốc lộ 60 vượt sông Tiền nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre bằng cầu Rạch Miễu với bề rộng chỉ có 2 làn xe nên thường xuyên quá tải, ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là nhằm giải bài toán ách tắc giao thông nghiêm trọng này. Tuy nhiên, việc đầu tư Dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) tại thời điểm hiện nay là khó khả thi, vì trong phạm vi tổng chiều dài 115 km của tuyến Quốc lộ 60 có các dự án BOT đã và đang triển khai thực hiện.
Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre (hoàn thành năm 2009) có trạm thu phí tại Km4+617 và đang triển khai giai đoạn 2 của dự án này để mở rộng 4 đoạn tuyến Quốc lộ 60 nối từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên (dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2019 và kết thúc thời gian thu phí vào năm 2034). Thứ 2 là Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên nối 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh (hoàn thành năm 2015) có trạm thu phí đặt tại Km44+267, kết thúc thời gian thu phí năm 2027. Hiện nay, 2 trạm thu phí nêu trên cách nhau khoảng 40 km.
Bên cạnh đó, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 có kinh phí đầu tư lớn (dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng). Bộ GTVT và UBND tỉnh Bến Tre đã phối hợp kêu gọi đầu tư nhưng các nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư đang triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu) đều từ chối thực hiện do mức độ rủi ro cao, phương án tài chính không khả thi. Cũng có nhà đầu tư quan tâm nhưng phương án đề xuất không phù hợp quy định pháp luật.
Theo Bộ GTVT, trường hợp có nhà đầu tư khác đầu tư cầu Rạch Miễu 2 sẽ phát sinh xung đột lợi ích với nhà đầu tư BOT cầu Rạch Miễu đang thực hiện Dự án giai đoạn 2, dẫn đến mất tính khả thi tài chính, Nhà nước khó có thể cân đối vốn bố trí mua lại trạm BOT cầu Rạch Miễu.
Từ đó, Bộ GTVT cho rằng, việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức xã hội hóa đầu tư giai đoạn hiện nay là không khả thi. Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, việc bố trí ngân sách nhà nước để mua lại các dự án đã đầu tư theo hình thức BOT là không thực hiện được, trái với chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời cho đến nay chưa có tiền lệ.
Đề xuất nghiên cứu đầu tư bằng vốn ODA
Bộ GTVT cho biết, thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bến Tre ngày 5/8/2016, Bộ GTVT đã cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 và tiếp nhận kinh phí viện trợ không hoàn lại của Hiệp hội Nhà thầu quốc tế Hàn Quốc để tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án.
Sau khi tư vấn hoàn thành nghiên cứu Dự án, Bộ GTVT và UBND các tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã thống nhất hướng tuyến của Dự án từ nút giao Đường tỉnh 870 với Quốc lộ 1A đến nút giao với Đường tỉnh 864, tuyến đi tiếp đến nút giao Đường tỉnh 883 đến điểm cuối là điểm giao Đường tỉnh 884.
Cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu sông Tiền, quy mô đề xuất là đường cấp III đồng bằng, bề rộng 2 làn xe, riêng cầu chính có quy mô 4 làn xe. Tổng chiều dài tuyến khoảng 17,59 km, cầu chính khoảng 1,91 km với nhịp chính cầu dây văng, cầu vượt nhánh phụ dài 0,52 km kết cấu đúc hẫng cân bằng. Tổng mức đầu tư khoảng 5.140 tỷ đồng, trong đó vốn ODA khoảng 4.025 tỷ đồng, vốn đối ứng khoảng 1.115 tỷ đồng.
Qua làm việc với nhà tài trợ - Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), Bộ GTVT cho biết, nhà tài trợ thông báo Hiệp định Khung tài trợ cho Việt Nam hiện nay chưa cam kết hết nên có thể xem xét và cân đối được nguồn vốn nếu phía Việt Nam đề xuất Dự án.
Vì vậy, để có cơ sở triển khai Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng nghiên cứu đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư xã hội hóa để nghiên cứu đầu tư theo hình thức sử dụng vốn vay ODA. Trong quá trình triển khai Dự án, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu các giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng đến các dự án BOT đang triển khai trên tuyến, thống nhất với địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.