Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Tìm phương án huy động khoảng 60 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với tổng mức đầu tư dự kiến trên dưới 60 tỷ USD, có lẽ bài toán lớn nhất lúc này của việc xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là lựa chọn, xây dựng phương án đầu tư nào hiệu quả, để huy động được nguồn vốn siêu lớn này.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến được đầu tư theo phương án hỗn hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa, vận tốc thiết kế 250 km/h, vận tốc khai thác 160 - 225 km/h. Ảnh minh họa
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến được đầu tư theo phương án hỗn hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa, vận tốc thiết kế 250 km/h, vận tốc khai thác 160 - 225 km/h. Ảnh minh họa

Ngày 29/3, Hội đồng Thẩm định nhà nước Dự án đã họp phiên đầu tiên để cho ý kiến về BCNCTKT do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lập và báo cáo thẩm tra của Liên danh tư vấn thẩm tra (TVTT) dự án, báo cáo thẩm định của Tổ thẩm định liên ngành.

Đến nay vận tốc thiết kế, phương thức vận tải đã được thống nhất với phương án đầu tư hỗn hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa, vận tốc thiết kế 250 km/h, vận tốc khai thác 160 - 225 km/h. Dự án sẽ hình thành trục vận tải khối lượng lớn trên đất liền, là trục động lực phát triển nhảy vọt mới cho các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Với một dự án quy mô lớn, phức tạp, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, thống nhất tìm phương án hiệu quả như hướng tuyến, vị trí nhà ga, khung tiêu chuẩn, mô hình, công nghệ áp dụng; các giải pháp xây dựng các chính sách phát triển nguồn nhân lực sản xuất thiết bị công nghiệp phụ trợ làm cơ sở phát triển ngành đường sắt trong nước… nhưng nổi lên là phương thức đầu tư, phương án huy động vốn.

Theo BCNCTKT, TMĐT Dự án khoảng 59 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư công là 80%, vốn tư nhân 20%, phần vốn đầu tư công huy động hoàn toàn từ ngân sách nhà nước (NSNN).

Còn theo Liên danh tư vấn thẩm tra, TMĐT mà Bộ GTVT xây dựng còn tính chưa chính xác một số chi phí, nếu tính lại lên 64,609 tỷ USD, tương ứng 20% vốn tư nhân là khoảng 12,92 tỷ USD. Hiện trên thế giới chưa có dự án PPP vào lĩnh vực đường sắt có nguồn vốn tư nhân trên 10 tỷ USD, nên phương án phân bổ như BCNCTKT là không khả thi.

Liên danh tư vấn thẩm tra nhận định, đây là dự án hạ tầng mang tính chiến lược của đất nước, có tính khả thi cao và lợi ích lâu dài cho người dân của 20 tỉnh, thành phố với quy mô siêu liên kết vùng, kết nối 45,6% dân số đang đóng góp 60% GDP cả nước. Liên danh tư vấn thẩm tra đề xuất phương án đầu tư với TMĐT 61,026 tỷ USD, trong đó vốn nhà nước là 50,962 tỷ USD, chiếm 83,51%, vốn đầu tư tư nhân cần huy động là 10,064 tỷ USD, chiếm 16,49%. Tư nhân đầu tư đoàn tàu và xây dựng 6 nhà ga 10 tầng, khai thác dịch vụ nhượng quyền, trả phí khấu hao hạ tầng đã đầu tư và phí bảo dưỡng hạ tầng. Vốn nhà nước đầu tư hạ tầng tuyến được huy động từ đấu giá đất tại các TOD (38,95 tỷ USD) và vốn đầu tư công từ ngân sách trong 4 kỳ trung hạn (mỗi kỳ 72.000 - 75.000 tỷ đồng).

Liên danh tư vấn thẩm tra đánh giá, mô hình PPP sẽ giúp bổ sung nguồn vốn 10,064 tỷ USD để đầu tư đầu máy toa xe, xây dựng nhà ga cao tầng, chịu trách nhiệm khai thác, duy tu và vận hành trong thời gian hợp đồng PPP. Chuyển nhượng nhiều rủi ro dự án sang khu vực tư nhân; giúp tăng cường hiệu quả trong việc phân phối, điều hành, quản lý và khai thác dự án trong khu vực tư nhân. Hàng năm đối tác tư sẽ trả phí xây dựng hạ tầng là 700 triệu USD cho đối tác công, kết hợp với vốn dư từ đấu giá bất động sản tại các TOD, vốn đấu giá tài sản của đường sắt hiện tại để thành lập quỹ phát triển hạ tầng quốc gia.

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ hình thành trục vận tải khối lượng lớn, là trục động lực phát triển nhảy vọt cho các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ hình thành trục vận tải khối lượng lớn, là trục động lực phát triển nhảy vọt cho các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng huy động 39 tỷ USD từ đấu giá đất tại các TOD, theo Liên danh tư vấn thẩm tra, cần sửa đổi Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước... Cần điều chỉnh vị trí tuyến ra ngoài đô thị, đi qua các vùng đất nông nghiệp, để đủ không gian phát triển đô thị nhà ga TOD. Trên tuyến xây mới 50 đô thị nhà ga theo định hướng phát triển TOD là các đô thị thông minh, đồng bộ với quy mô xấp xỉ 4 triệu cư dân.

Đây là vấn đề mà các địa phương còn có ý kiến khác nhau. BCNCTKT của Dự án được nghiên cứu xây dựng từ nhiều năm. Nhiều địa phương đã lập quy hoạch, xây dựng các khu đô thị theo phương án của Bộ GTVT. Một số địa phương khác thì cho biết, nếu theo hướng tuyến như Liên danh tư vấn thẩm tra sẽ giảm chi phí giải phóng mặt bằng, thuận lợi phát triển đô thị. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định sẽ vì lợi ích quốc gia.

Theo ông Tăng Ngọc Tráng, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đại diện Tổ thẩm định liên ngành Dự án, vị trí nhà ga, hướng tuyến Liên danh tư vấn thẩm tra đã gửi xin ý kiến của 20 địa phương, nhưng mới có 8 địa phương lựa chọn phương án này. Nếu theo phương án cũ của Bộ GTVT, phương án đấu giá để huy động vốn từ quỹ đất không thể thực hiện được vì các TOD không còn đất để phát triển đô thị. Nếu theo kiến nghị của Liên danh tư vấn thẩm tra thì có khả năng huy động được và có thể kiến nghị chính sách đặc biệt với Quốc hội cho huy động nguồn tiền từ đấu giá quỹ đất để đầu tư cho chính dự án này. Theo ông Tăng Ngọc Tráng, khoản thu được từ đấu giá theo tính toán của Liên danh tư vấn thẩm tra là gần 39 tỷ USD cần nghiên cứu, tính toán kỹ lại, nhưng ít nhất có thể huy động được 25 - 30 tỷ USD cho dự án này.

Cho rằng phương thức đầu tư, huy động vốn là vấn đề phân vân nhất, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đặc biệt lưu ý các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để có phương án khả thi nhất, tránh “đếm cua trong lỗ”. Với mô hình PPP, cần tính toán kỹ khả năng thu hút được nhà đầu tư. Đối với phần vốn công, nếu theo phương án của Bộ GTVT, lấy hoàn toàn từ NSNN sẽ gây áp lực lớn cho NSNN. Còn theo phương án của Liên danh tư vấn thẩm tra, cần tính toán kỹ, có cơ sở đầy đủ cho con số huy động được là 39 tỷ USD, nếu không đấu giá được thì nguồn ở đâu để thực hiện Dự án? Đây là vấn đề rất lớn, Bộ GTVT và tư vấn rà soát, tính toán lại xem tính khả thi, điều kiện cụ thể, đưa ra căn cứ, luận cứ, cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư nhưng cơ chế giá vé vẫn hợp lý, phù hợp sức mua của người dân, khả năng thu hồi vốn… Từ đó mới rõ theo phương thức đầu tư nào và từ phương thức nào mới biết được lấy nguồn ở đâu.

Tin cùng chuyên mục