Dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An và KCN Tân Đông Hiệp: Nhiều gói thầu chưa thể thi công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là dự án trọng điểm chống ngập và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực giáp ranh giữa TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, Dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp (KCN) Tân Đông Hiệp có ý nghĩa rất lớn đối với dân sinh và phát triển công nghiệp. Thế nhưng nhiều gói thầu thuộc Dự án chưa thể thi công hoặc phải ngừng thi công vì chưa được bàn giao mặt bằng.
Nhà thầu đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công Gói thầu số 12 (tuyến rạch Cái Cầu) nhưng dự kiến đầu tháng 6/2022 sẽ phải tạm ngưng do vướng mặt bằng. Ảnh: Ngọc Tuấn
Nhà thầu đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công Gói thầu số 12 (tuyến rạch Cái Cầu) nhưng dự kiến đầu tháng 6/2022 sẽ phải tạm ngưng do vướng mặt bằng. Ảnh: Ngọc Tuấn

Dự án nói trên có tổng mức đầu tư 1.208 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2017, do Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (BQLDA NN&PTNT) tỉnh Bình Dương làm Chủ đầu tư.

Theo Dự án được duyệt, Bình Dương đầu tư từ ngân sách tỉnh thực hiện toàn bộ phần xây lắp Dự án và đền bù giải phóng mặt bằng các tuyến công trình thuộc địa giới hành chính tỉnh Bình Dương gồm kênh T4, kênh T5B và 3,58 km bờ phải rạch Cái Cầu, 178 m bờ trái suối Nhum (Gói thầu số 15). Tỉnh Đồng Nai thực hiện phần đền bù phía bờ trái tuyến suối Xiệp dài khoảng 2,2 km. Trên địa bàn TP.HCM, Thành phố thực hiện đền bù bờ phải tuyến suối Nhum và Đại học Quốc gia TP.HCM đền bù đoạn suối Nhum (Gói thầu số 16) dài 1,1 km.

Theo báo cáo của BQLDA NN&PTNT tỉnh Bình Dương, từ năm 2018 đến nay, Chủ đầu tư đã thi công 6 trên tổng số 8 gói thầu thuộc Dự án. Nhiều gói thầu đã nghiệm thu hoàn thành, đó là Gói thầu số 4 và Gói thầu số 4A (kênh T4). Ba gói thầu đang tạm ngưng thi công do vướng mặt bằng. Cụ thể, Gói thầu số 7 (kênh T5B) thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương đã thi công được 1.300 m/1.522 m kênh nhưng từ tháng 8/2020 phải tạm ngừng thi công do vướng mặt bằng của một doanh nghiệp. Gói thầu số 16 (suối Nhum) đoạn qua Đại học Quốc gia TP.HCM đã thi công được 850 m/1.100 m và tạm ngưng từ tháng 8/2020 do 10 trường hợp chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, có đơn khiếu nại, kiến nghị về chính sách bồi thường. Gói thầu số 10 (tuyến rạch Cái Cầu) thi công được 1.078 m/1.391 m kênh nhưng phải tạm ngưng từ đầu tháng 5/2022 do vướng 4 hộ dân phía tỉnh Bình Dương và 17 hộ dân phía tỉnh Đồng Nai chưa đồng ý nhận tiền đền bù và giao mặt bằng. Tại Gói thầu số 12 (tuyến rạch Cái Cầu), nhà thầu đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công và đã hoàn thành 720 m/840 m kênh, tuy nhiên, dự kiến đầu tháng 6/2022 sẽ phải tạm ngưng do vướng mặt bằng của một hộ dân thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, Dự án còn 2 gói thầu chưa triển khai thi công do chưa hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đó là Gói thầu số 11 (tuyến suối Xiệp) qua tỉnh Đồng Nai và Gói thầu số 15 (suối Nhum) đoạn qua TP.HCM.

Trong năm 2022, Bình Dương bố trí kế hoạch vốn cho Dự án là 150 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 5/2022 mới giải ngân khoảng 8,5% kế hoạch vốn được giao. Nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là mặt bằng trên địa bàn hành chính của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.

Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc BQLDA NN&PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, để giải quyết các tồn tại về giải phóng mặt bằng, rất cần sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ, hiệu quả của 3 địa phương có Dự án đi qua. Theo đó, tại Bình Dương, BQLDA NN&PTNT đang tích cực phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất, các phòng chức năng của TP. Dĩ An giải quyết tồn tại về mặt bằng của một doanh nghiệp (kênh T5B), 22 hộ dân của tuyến rạch Cái Cầu (phía tỉnh Bình Dương), thời gian hoàn thành dự kiến trong quý III/2022.

Về phía tỉnh Đồng Nai, Dự án Đền bù bờ trái tuyến rạch Cái Cầu mới được UBND Tỉnh phê duyệt vào ngày 19/5/2022 và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án đền bù này đã được bố trí nguồn vốn 163 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022.

Đối với mặt bằng phía TP.HCM, theo kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 thì địa phương vẫn chưa bố trí nguồn kinh phí và chưa giao nhiệm vụ cho TP. Thủ Đức triển khai dự án đền bù giải phóng mặt bằng bờ phải tuyến suối Nhum với chiều dài trên 900 m. Đối với mặt bằng Gói thầu số 16 (kênh suối Nhum), theo kế hoạch, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ phối hợp với Ban bồi thường TP. Thủ Đức hoàn thành giải phóng mặt bằng trong quý III/2022.

Theo tìm hiểu, cuối năm 2023 là thời gian kết thúc Dự án Hệ thống thoát nước Dĩ An và KCN Tân Đông Hiệp. Vì vậy, nhiều khả năng phần Dự án thuộc địa bàn TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng sẽ được Chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương chuyển giao từ BQLDA NN&PTNT tỉnh Bình Dương về TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM để tổ chức thực hiện.

Tin cùng chuyên mục