Khu kinh tế Nhơn Hội không còn sự hiện diện của Dự án Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội. Ảnh: Đức Thanh |
Đặt dấu chấm hết
Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) cho biết, Ban quản lý đã thực hiện chấm dứt hoạt động và chấm dứt hợp đồng thuê đất của Dự án Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, vốn đầu tư 250 triệu USD. Lý do là dự án này, kể từ khi được cấp chứng nhận đầu tư đến nay, triển khai không đáng kể. Cũng vì lý do này, suốt thời gian qua, Bình Định đã nhiều lần cảnh báo đỏ đối với nhà đầu tư và đến nay, quyết định cuối cùng đã được đưa ra.
Dự án Khu du lịch Vĩnh Hội do Công ty TNHH một thành viên Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ (Mỹ) đầu tư. Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, với tổng vốn đăng ký giai đoạn I là 250 triệu USD, Dự án dự kiến triển khai trên diện tích 235 ha tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Theo kế hoạch, Dự án sẽ xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bao gồm trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, resort 5 sao, sân golf 18 lỗ, villa cao cấp…
Cũng theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ bắt đầu xây dựng Dự án từ giữa năm 2011 và đến giữa năm 2014 thì đưa vào sử dụng. Để chuẩn bị cho việc vận hành, tháng 10/2011, Công ty Việt - Mỹ cũng đã ký hợp đồng với các công ty quản lý khách sạn Ritz-Carlton, JW Marriott và Outrigger để quản lý 3 khu nghỉ dưỡng trong Dự án.
Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa thể triển khai, một phần do vướng khâu giải phóng mặt bằng và một phần do khó khăn của chủ đầu tư. Hơn 135 ha đất trong tổng diện tích 235 ha đất của Dự án đã được giải tỏa, tạm bàn giao cho chủ đầu tư. Công ty Việt - Mỹ cũng đã triển khai xây dựng một số hạng mục của Dự án, bao gồm cả tuyến đường xung quanh. Tuy nhiên, về cơ bản, Dự án chưa “thành hình” trong khi đất đai bị bỏ hoang kéo dài, rất lãng phí.
Quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án là động thái cần thiết. Tuy nhiên, công việc quan trọng hiện nay với Bình Định là xử lý hậu chấm dứt hoạt động của Dự án như thế nào. Không chỉ là xử lý phần tài sản đã hình thành trên đất của chủ đầu tư, mà còn là tìm kiếm nhà đầu tư thay thế.
Trong một động thái khác, Bình Định cũng vừa quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe buýt và các loại máy nông nghiệp của Công ty TNHH Buscenter Met (Nga). Dự án này có vốn đăng ký 1 tỷ USD, được cấp chứng nhận đầu tư từ 3 năm trước, song vẫn chưa triển khai.
Trước đó, Bình Định cũng đã thu hối Dự án Điện gió Nhơn Hội, vốn đăng ký 109 triệu USD, do Công ty Đầu tư Viettracon (Đức) và Công ty Green Venture Invest AG (Thụy Sỹ) hợp tác đầu tư.
Bài học từ những dự án bị thu hồi
Trên thực tế, đây cũng không phải là những dự án đầu tư duy nhất bị hay cần thu hồi giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian gần đây vì quá chậm trễ trong triển khai. Dư luận vẫn đang nhắc tới các dự án Thép Guang Lian (Dung Quất, Quảng Ngãi), Thép Kobelco 1 tỷ USD ở Nghệ An, các dự án hàng tỷ USD của Berjaya (Malaysia) ở TP.HCM, Đồng Nai; hay Dragon Sea - 900 triệu USD, Saigon Atlantic - 4 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu…
Thu hồi dự án chậm triển khai là việc cần làm và cần làm quyết liệt. Song việc hàng loạt dự án bị chậm tiến độ, thậm chí không triển khai trong một thời gian dài cho thấy, đúng là cũng có những nguyên nhân xuất phát từ chậm giải phóng mặt bằng, hoặc nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính do tác động của khủng hoảng tài chính trong giai đoạn vừa qua, nhưng cũng cần xem xét cả về vấn đề thẩm định dự án và năng lực chủ đầu tư của địa phương.
Câu chuyện dự án của Buscenter Met là một ví dụ. Ba năm trước, khi Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Buscenter Met, dư luận - trong đó có cả các cán bộ Bộ Công thương - cũng bất ngờ. Lúc ấy, đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc diện lớn nhất tại Bình Định, do vậy, việc Dự án nhanh chóng được cơ quan chức năng địa phương gật đầu là dễ hiểu. Sau cấp chứng nhận đầu tư, Bình Định đã rất kỳ vọng chủ đầu tư nhanh chóng triển khai trong năm đó. Song chỉ một thời gian ngắn sau, Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội đã đặt dấu hỏi về năng lực thực sự của chủ đầu tư này và cũng đã liên tục cảnh báo thu hồi.
Tương tự, ở Khánh Hòa, Dự án Phoenix của Tập đoàn Dewan Việt Nam cũng gây bất ngờ dư luận khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh chóng, với số vốn đăng ký lên đến 1,25 tỷ USD. Nhưng đến hết thời điểm góp vốn điều lệ (420 tỷ đồng, ngày 20/11/2014) và kể cả sau đó đã được hai lần gia hạn, Dewan vẫn chưa góp khoản vốn đầu tư theo quy định. Bởi thế, Khánh Hòa đã quyết định thu hồi Dự án. Và lý do dễ hiểu, đó là các vấn đề về năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Khánh Hòa đã rất khôn ngoan và quyết liệt khi nhanh chóng thu hồi Dự án Phoenix. Trong khi đó, ở nhiều địa phương khác, có dự án phải trải qua cả chục năm không triển khai mới bị thu hồi, gây lãng phí kéo dài.
Đây đã là câu chuyện “nhiều kỳ” và điều này một lần nữa đặt câu hỏi về năng lực thẩm định dự án của các địa phương trong bối cảnh việc phân cấp đầu tư cho địa phương vẫn đang được thực hiện ở mức cao nhất.