Dự án nhà công nhân khó gọi vốn

(BĐT) - Theo Bộ Xây dựng, hiện mới chỉ có 20% công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) có chỗ ở ổn định, số còn lại đang thuê trọ ở nhà dân bên ngoài KCN, KCX với chất lượng phòng thấp. Nhu cầu nhà ở công nhân lớn như vậy, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mấy mặn mà. Nguyên nhân vì đâu?
Nhà ở cho công nhân trong các KCN, KCX chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tế. Ảnh: Đinh Tuấn
Nhà ở cho công nhân trong các KCN, KCX chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thực tế. Ảnh: Đinh Tuấn

Có chủ trương, nhưng… thiếu vốn

Tại Hội thảo công bố “Kết quả nghiên cứu cải thiện môi trường sống cho công nhân các khu công nghiệp tại Việt Nam”, ông Trịnh Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng cho biết, cả nước hiện có 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong các KCN, KCX đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, với quy mô khoảng 28.800 căn hộ; 64 dự án đang triển khai với quy mô khoảng 69.300 căn hộ.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, thực tế tại các KCN, KCX mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định. Mặc dù Chính phủ đã có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, thuế…, nhưng chưa đủ mạnh, đủ sức hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tham gia.

Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên thừa nhận, tỉnh này chưa giải quyết được triệt để vấn đề nhà ở cho công nhân trong các KCN, KCX do nguồn kinh phí hạn hẹp, chính sách của Nhà nước chưa thực sự hấp dẫn. Mặt khác, các dự án loại này thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm nên DN khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Đa dạng hóa nguồn vốn phát triển nhà ở công nhân

Để bù đắp sự thiếu hụt của ngân sách nhà nước, nhiều chuyên gia nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc huy động vốn tư nhân đầu tư xây nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thực tế, DN vẫn chưa mấy “mặn mà”, nên việc huy động vốn đầu tư chưa được như kỳ vọng.

Khẳng định sự cần thiết của việc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhưng ông Kenichi Hashimoto - chuyên gia của JICA cho rằng, cần xác định rõ vai trò của nhà nước và khu vực tư nhân. Tại Ấn Độ DN bất động sản phải đóng góp vào Quỹ nhà ở để phát triển các dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ tài chính cho những đối tượng thuộc nhóm yếu thế...

Ông Hashimoto kiến nghị: “Chính phủ cần gỡ bỏ quy định về lợi nhuận định mức 10% (đối với nhà để bán), 15% đối với nhà cho thuê trên tổng mức đầu tư được quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở, bởi quy định này làm hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư bất động sản vào dự án nhà ở xã hội”.

Ông Dương Văn Hùng thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho rằng: “Chính phủ nên có quy định cho các tổ chức, DN hay cá nhân đầu tư vào dự án nhà ở cho công nhân được hưởng lãi suất ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng”.

Tin cùng chuyên mục