![]() |
Phối cảnh Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận |
Nghị quyết của Quốc hội quy định thống nhất hình thức lựa chọn nhà thầu cho phép áp dụng là chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu như: Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế.
Đồng thời, áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bao gồm: lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng chìa khoá trao tay; thẩm tra hồ sơ phê duyệt địa điểm, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, các báo cáo chuyên ngành theo quy định pháp luật; tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công. Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn để thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh, kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trên cơ sở sử dụng hiệu quả các chuyên gia và tổ chức trong nước và quốc tế.
Nghị quyết chỉ quy định chỉ định thầu cho các gói thầu, công việc có tính đặc thù liên quan đến công nghệ, an toàn hạt nhân, gắn liền và phục vụ trực tiếp cho công tác triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chính. Đối với những dự án thành phần và công việc khác thuộc dự án nhà máy chính mà các đơn vị trong nước có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan phải tuân thủ các hình thức, quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu theo pháp luật đấu thầu hiện hành.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia năng lượng Ninh Viết Định cho rằng, điện hạt nhân là dự án đặc biệt nên cần có cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có lựa chọn nhà thầu để thực hiện.
Theo chuyên gia năng lượng Phan Xuân Dương, cơ chế đặc biệt cần thiết, bởi đây là dự án có công nghệ phức tạp, đòi hỏi phải lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm cao nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nhận định, đây là dự án điện hạt nhân đầu tiên của nước ta, với tiến độ đã được thông qua thì rất nhiều việc cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù mới bảo đảm được thời hạn hoàn thành. “Tôi nhận thấy trong điều kiện Việt Nam hiện nay việc lựa chọn hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay là hoàn toàn phù hợp”, đại biểu Tú Anh nêu quan điểm và cho biết, nhiều quốc gia đã lựa chọn hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Belarus, Ba Lan…
Đại biểu Lê Mạnh Hùng (Cà Mau) cho rằng, mục tiêu có thể vận hành thương mại các nhà máy điện hạt nhân này vào năm 2030, muộn nhất là 2031 là rất áp lực. Vì vậy, vấn đề gì được làm song song, vấn đề gì được thực hiện theo cơ chế đặc thù, trong đó có lựa chọn nhà thầu thì cần sớm có kế hoạch thực hiện cụ thể.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ninh Viết Định cho rằng, cấp có thẩm quyền cần sớm giao đơn vị liên quan (có thể là EVN, PVN là các tập đoàn được giao làm chủ đầu tư dự án) xây dựng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án. “Căn cứ Nghị quyết, đơn vị được giao xây dựng cơ chế chi tiết có thể lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho Dự án, trong đó có nội dung về chỉ định thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu”, ông Định gợi ý.
Theo Điều 36 Luật Đấu thầu, kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu bao gồm các nội dung chủ yếu như: xem xét bối cảnh thực hiện dự án với công tác đấu thầu; mục tiêu cụ thể của hoạt động đấu thầu; đề xuất kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án (bao gồm phân chia dự án thành các gói thầu, hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu…).