Dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên: Khởi động các gói thầu quan trọng sau 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM đang chuẩn bị khởi dộng Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn). Vì nhiều vướng mắc, Dự án 8.200 tỷ đồng này sau hơn 20 năm chưa thể khởi công.
Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chi phí xây dựng khoảng 6.400 tỉ đồng, đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 718 tỉ đồng. Ảnh: Quang Đại
Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chi phí xây dựng khoảng 6.400 tỉ đồng, đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 718 tỉ đồng. Ảnh: Quang Đại

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (gọi tắt là Ban Hạ tầng đô thị - chủ đầu tư) vừa hoàn tất lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu TV-04 Tư vấn giám sát khảo sát xây dựng, lập thiết kế bản vẽ thi công thuộc Dự án. Theo đó, Công ty CP Tư vấn xây dựng Tam Kiệt được chỉ định thầu thực hiện gói thầu này trong 20 ngày.

Cùng thời điểm, Ban Hạ tầng đô thị cũng chỉ định thầu rút gọn cho Công ty TNHH Tư vấn công nghệ xây dựng Quang Minh thực hiện Gói thầu TV-02 Tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) các gói thầu TV-03, TV-05, Tư vấn lập HSMT và đánh giá HSDT các gói thầu xây lắp. Gói thầu được triển khai trong 60 ngày.

Ban Hạ tầng đô thị đang mời thầu 2 gói thầu tư vấn quan trọng của Dự án. Theo đó, Gói thầu TV-03 Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, tư vấn thiết lập mô hình thông tin công trình (BIM) với thời gian thực hiện 1.610 ngày, được phát hành HSMT từ ngày 30/6 đến 20/7/2022. Gói thầu có dự toán 71.304.686.000 đồng, được đấu thầu rộng rãi qua mạng theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Đây cũng là gói thầu tư vấn có giá trị lớn nhất của Dự án.

Đồng thời, Gói thầu TV-05 Tư vấn thẩm tra khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, thẩm tra an toàn giao thông có dự toán 4.092.370.000 đồng sẽ đóng thầu vào ngày 20/7/2022.

Trước đó, ngày 17/6/2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án. Theo quyết định này, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Ban Hạ tầng đô thị khi triển khai Gói thầu TV-03, có trách nhiệm kế thừa khối lượng công việc đã thực hiện, sử dụng hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán hạng mục xây dựng kè bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (thuộc Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM đã được UBND TP phê duyệt dự án năm 2016).

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, 6 gói thầu tư vấn của Dự án có thời gian thực hiện trong quý II/2022. Do đó, hiện tại Ban Hạ tầng đô thị TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu toàn bộ các gói thầu tư vấn này nhằm tạo điều kiện sớm nhất phát hành HSMT các gói thầu xây lắp của Dự án. Đây là cơ sở quan trọng để TP.HCM có thể khởi công Dự án trong năm 2022 theo đúng kế hoạch đề ra.

Theo Ban Hạ tầng đô thị, Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 6.400 tỉ đồng; 718 tỉ đồng đền bù giải phóng mặt bằng, còn lại là chi phí dự phòng và các khoản khác. Hiện TP.HCM đã bố trí 1.000 tỉ đồng để khởi công Dự án trong năm 2022.

Theo đại diện Chủ đầu tư, công trình gồm các hạng mục xây bờ kè bê tông và đường dài gần 33 km dọc hai bờ kênh; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới và sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; xây 12 bến thuyền dọc kênh...

Dự án có nhiệm vụ thoát nước, chống ngập cho 7 quận, huyện (Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh). Đồng thời, hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối TP.HCM đi miền Tây; đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai (không đi qua trung tâm Thành phố) nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa; góp phần chỉnh trang cho khu vực và giải quyết ô nhiễm. Ngoài ra, dự án này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha. Dự án đã có chủ trương đầu tư từ năm 2.000 nhưng do nhiều vướng mắc chưa thể khởi công.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu của Dự án phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, đúng kế hoạch được duyệt, đảm bảo xác định nguồn vốn đã bố trí cho các gói thầu. Đặc biệt, ông Mãi yêu cầu phải đảm bảo tỷ lệ thực hiện đấu thầu qua mạng và cung cấp thông tin theo quy định.

Tin cùng chuyên mục