Dự án xử lý rác 1.000 tấn/ngày đêm tại Đà Nẵng: Đề xuất làm lại thủ tục từ đầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 5 năm sau khi được thông qua chủ trương đầu tư, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm tại TP. Đà Nẵng có nguy cơ bị bãi bỏ chủ trương đầu tư, phải làm lại từ đầu để cập nhật, hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định và cập nhật nguồn vốn mới theo quy mô, phương thức đầu tư.
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm dự kiến được đầu tư tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP. Đà Nẵng theo phương thức PPP. Ảnh minh họa: Hải Định
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm dự kiến được đầu tư tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP. Đà Nẵng theo phương thức PPP. Ảnh minh họa: Hải Định

Tại Tờ trình số 32 vừa được UBND TP. Đà Nẵng ký và dự kiến trình HĐND Thành phố tại kỳ họp cuối tháng 2/2025 có nội dung đề xuất bãi bỏ một phần Nghị quyết số 333/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 về chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, trong đó, đề xuất bỏ chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn TP. Đà Nẵng theo phương thức PPP (đối tác công tư).

Tờ trình nêu rõ: “Hiện nay, báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án không được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt do có một số nội dung không đạt: diện tích đề xuất cho Dự án, sản lượng các sản phẩm tái chế và thu hồi có thể không đạt mục tiêu của Dự án; tiêu chí lựa chọn công nghệ chưa phù hợp, công nghệ lựa chọn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí yêu cầu, không phân tích các rủi ro kỹ thuật và kế hoạch giảm thiểu rủi ro, tổng mức đầu tư thấp…”.

Mặt khác, Tờ trình nêu, nội dung đề xuất Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm mới có nhiều nội dung thay đổi so với nội dung Dự án do nhà đầu tư đề xuất đã được HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2020. Cụ thể là thay đổi về loại hợp đồng, diện tích, công nghệ, tổng mức đầu tư, phương án tài chính, cơ cấu nguồn vốn, khung giá dịch vụ, cơ chế đảm bảo đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, thời gian thực hiện (theo quy định tại Điều 17 Luật PPP năm 2020).

Song song đề xuất bãi bỏ chủ trương đầu tư (cũ), Ban cán sự Đảng UBND TP. Đà Nẵng thống nhất tiếp tục thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm theo phương thức PPP. Đồng thời, giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập và trình thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư (thay cho nhà đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư dự án như trước đây).

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày đêm được HĐND TP. Đà Nẵng thông qua chủ trương đầu tư cuối năm 2020. Địa điểm xây dựng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu trên tổng diện tích hơn 29.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 823 tỷ đồng. Liên danh Ecoland - Huy Hoàng - Huy Hoàng Eco đề xuất đầu tư Dự án theo phương thức PPP, loại hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), thực hiện từ năm 2023 - 2024. Dù đã quá thời hạn đề xuất 1 năm, nhưng đến nay vẫn chưa xong báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án. Nguyên nhân, theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng, là do trong quá trình khảo sát nhà đầu tư quan tâm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có nhiều góp ý đối với Dự án như cần điều chỉnh, bổ sung; báo cáo nghiên cứu khả thi do Liên danh nhà đầu tư đề xuất chưa đạt yêu cầu và phải chỉnh sửa; hình thức thực hiện hợp đồng cần xem xét lại, có thể không áp dụng hợp đồng BLT nên Dự án gần như phải làm lại từ đầu. Thành phố sẽ mời thầu gói thầu tư vấn xây dựng lại báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.

Cũng theo Sở TN&MT Đà Nẵng, trong quá trình đánh giá hồ sơ Dự án do Liên danh nhà đầu tư đề xuất, Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng thẩm định do ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng làm Chủ tịch Hội đồng. Trong quá trình đánh giá, theo tốc độ phát triển của Thành phố, Dự án đã có những thay đổi để bắt kịp. Trong đó, nguồn vốn đầu tư Dự án được đề xuất tăng từ 823 tỷ đồng lên 2.225,6 tỷ đồng, diện tích xây dựng từ 29.000 m2 lên 51.000 m2, là dự án nhóm B, công trình hạ tầng cấp kỹ thuật đặc biệt.

Theo thống kê của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, hiện mỗi ngày trên địa bàn Thành phố phát sinh khoảng 1.200 tấn rác thải sinh hoạt, rác thải rắn, được xử lý theo công nghệ chôn lấp. Để thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn theo quy định đến năm 2030 đạt hơn 97%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%. Việc xử lý này trông chờ vào 2 dự án tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, trong đó có Dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm và Dự án Nhà máy đốt rác phát điện công suất 650 tấn/ngày đêm (đã được cấp chủ trương đầu tư 15 năm, qua 3 lần điều chỉnh nhưng chưa được triển khai dù thời hạn hoàn thành dự kiến vào năm 2026).

Tin cùng chuyên mục