Còn nhiều cơ hội trên các thị trường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy, tài sản kỹ thuật, tai nạn dân sự hàng hải... Ảnh: Nguyễn Việt |
Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt xung quanh vấn đề này.
Dưới góc độ của DN, ông đánh giá thế nào về mức tăng trưởng 14% năm 2017 mà IAV kỳ vọng?
Năm 2016, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường BH phi nhân thọ ước đạt 14%. Dự báo mức tăng trưởng năm 2017 trong khoảng 14% -15%. Năm 2017, tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,7%, cao hơn năm 2016. Do đó, nhu cầu về BH tại Việt Nam được dự báo duy trì mức tăng trưởng cao. Ngoài ra, những chính sách mới của Nhà nước về BH, như BH tài sản công, BH xây dựng lắp đặt bắt buộc, BH nông nghiệp, BH thiên tai… sớm được ban hành cũng sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy thị trường BH phát triển.
Có rất nhiều sản phẩm có thể mở rộng khai thác như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy. Tổng số xe máy đang hoạt động gần 40 triệu xe, số lượng xe bảo hiểm trên thị trường chỉ khoảng 15 triệu xe. Bảo hiểm vật chất ô tô cũng là sản phẩm còn dư địa lớn để khai thác. Số lượng xe đang hoạt động (chỉ tính xe sản xuất từ 2005 đến nay) là gần 1 triệu xe, năm 2017 số lượng xe mới ước đạt 340.000 xe, đưa tổng số xe lên khoảng 2,3 triệu xe. Hết năm 2016, toàn thị trường chỉ 1 triệu xe có bảo hiểm.
Sản phẩm bảo hiểm y tế (BHYT) còn có thể phát triển theo hướng sản phẩm cho hộ gia đình, cá nhân; sản phẩm chăm sóc y tế cho người cao tuổi; sản phẩm bệnh hiểm nghèo; sản phẩm bổ sung cho BHYT nhà nước…
Cũng phải kể đến bảo hiểm tài sản kỹ thuật với các dự án xây dựng tư nhân, các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, các khách hàng cá nhân. Tiếp theo là bảo hiểm tai nạn dân sự hàng hải như tai nạn của người vận chuyển, loại hình chưa được các DN logistics quan tâm. Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, vận chuyển cho các DN FDI và các DN liên doanh. Hầu hết các DNBH Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được thị trường còn nhiều dư địa này.
Đồng thời, kim ngạch xuất nhập khẩu của VN tăng nhưng do nhiều DN xuất nhập khẩu có tư tưởng mua CIF, bán FOB đã để mất đi quyền lợi mua BH cho các DNBH Việt. Nếu tiếp cận và thay đổi được tư duy này thì DNBH có thể có nhiều cơ hội.
Bảo hiểm con người còn dư địa lớn có thể mở rộng khai thác đối với nhóm khách hàng cá nhân, hộ gia đình, các khách hàng tham gia các tổ chức tín dụng vi mô trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, bảo hiểm du lịch cho khách du lịch trong nước, khách du lịch quốc tế cũng còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, trong đó đối tượng phải thực hiện là nhà thầu, chủ đầu tư. Ông đánh giá như thế nào về rủi ro trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và ý nghĩa của Nghị định nêu trên?
Trước đây việc mua bảo hiểm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chỉ mang tính tự nguyện. Nghị định 119 ra đời buộc chủ đầu tư hoặc nhà thầu phải mua bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đối với các công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng; công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp. Nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng đối với công việc khảo sát, thiết kế xây dựng công trình từ cấp 2 trở lên. Nhà thầu thi công phải mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường.
Việt Nam là quốc gia có đặc điểm địa lý trải dài, chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện tự nhiên, thiên tai nên rủi ro trong quá trình thực hiện công việc xây dựng là không hề nhỏ. Việc quy định rõ ràng trách nhiệm của các đối tượng nêu trên sẽ tạo ra hành lang pháp lý giúp cho việc tham gia BH được đầy đủ, bảo đảm an toàn tài chính cho chủ đầu tư, nhà thầu, nhà thầu tư vấn thông qua việc chuyển giao rủi ro cho các DNBH.
Từ thực tiễn kinh doanh của DN, ông đánh giá như thế nào về mức độ tham gia của các chủ đầu tư, nhà thầu? DN đã có những giải pháp nào để hướng đến nhóm khách hàng này?
Hầu hết các chủ đầu tư, nhà thầu đều nhận thức được ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm từ trước khi Nghị định 119 ra đời. Ở góc độ DN, Bảo Việt đã truyền thông tới toàn bộ các chi nhánh trong hệ thống các quy định bắt buộc trong Nghị định 119.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 329/2016/TT-BTC, có hiệu lực từ 1/3/2017, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119 giúp cho việc khai thác nhóm khách hàng này được dễ dàng hơn.