Du lịch đường thủy TP.HCM “mắc cạn” vì hạ tầng

(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp (DN) đã bỏ vốn đầu tư để xây dựng một TP.HCM “trên bến dưới thuyền” với điểm nhấn du lịch đường sông. Thế nhưng, không ít DN đang “mắc cạn” và tháo lui khi chính sách ưu đãi đầu tư chưa rõ, thách thức lại đến dồn dập.
TP.HCM có kế hoạch cải tạo và xây 50 bến đỗ, cầu tàu, nhà chờ… để phục vụ du lịch đường sông. Ảnh: Đinh Tuấn
TP.HCM có kế hoạch cải tạo và xây 50 bến đỗ, cầu tàu, nhà chờ… để phục vụ du lịch đường sông. Ảnh: Đinh Tuấn

Hàng trăm triệu USD đang trôi

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, lượng khách quốc tế đến Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt trên 2,4 triệu lượt, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2015, mang lại gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách Thành phố. Với hệ thống kênh rạch, sông ngòi nằm giữa lòng Thành phố dài hàng chục km, TP.HCM đang dần tạo ra bức tranh du lịch “trên bến dưới thuyền” hiện đại, hấp dẫn du khách nội địa và quốc tế. Đặc biệt, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé bao trọn cả khu vực trung tâm đã tạo cho Thành phố một lợi thế lớn trong phát triển du lịch đường thủy.

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng theo một số chuyên gia, du lịch TP.HCM vẫn chưa phát huy được thế mạnh, đặc biệt là thiếu những sản phẩm mới. Chuyên gia Huỳnh Văn Sinh đánh giá, kênh Tàu Hũ có cảnh quan hai bên rất đẹp, phù hợp để phát triển du lịch và lễ hội nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được Thành phố đầu tư hàng ngàn tỷ đồng và đã giao cho Công ty Thuyền Sài Gòn đầu tư khai thác du lịch nội đô. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, dòng kênh đã ô nhiễm trở lại và khách du lịch chẳng còn thiết tha với việc ngồi thuyền du ngoạn.

Ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch HĐTV Saigontourist cho biết, từ năm 2012, Saigontourist đã tập trung khai thác du lịch đường sông. Năm 2013 Saigontourist tổ chức giới thiệu 7 tour đường sông. Tuy được đầu tư rất lớn nhưng kết quả lại không được như kỳ vọng. “Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc khai thác loại hình du lịch đường sông của Saigontourist là bến tàu không thuận đường đi lại, phát sinh thêm nhiều chi phí. Chúng ta sẽ để trôi hàng trăm triệu USD hàng năm, đánh mất hàng triệu lượt khách nếu không kịp thời tạo điểm nhấn, sự khác biệt của loại hình du lịch đường sông” - ông Bình nhấn mạnh. 

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp cập bến

Theo Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP.HCM giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, khoảng 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 10.000 tỷ đồng vốn xã hội là khoản đầu tư dự kiến để phát triển du lịch đường sông. 
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trước năm 2012 chỉ có 9 DN, 37 phương tiện khai thác du lịch đường thủy. Giai đoạn 2012 - 2015 đã phát triển thêm 37 DN và 139 phương tiện. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, việc Cảng Sài Gòn không cho neo đậu phương tiện tại bến Bạch Đằng đã ảnh hưởng trực tiếp đến các DN du lịch. Đến nay, chỉ còn 19 DN và 100 phương tiện tiếp tục hoạt động. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của du lịch đường sông đối với các nhà đầu tư, DN còn rất lớn, nhưng lực cản cũng còn quá nhiều.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, Thành phố luôn trăn trở trước những khó khăn của những DN đang “mắc cạn” khi đầu tư vào du lịch đường thủy. “Năm 2017, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để thực hiện nhanh quy hoạch phát triển du lịch đường thủy. Đây là nền tảng để UBND TP.HCM quyết định đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các tuyến du lịch đường thủy. TP.HCM luôn ưu tiên các nhà đầu tư tư nhân, các DN có tiềm lực quan tâm đến các dự án phát triển du lịch đường sông” - ông Vũ khẳng định.

Theo Chiến lược phát triển du lịch đường sông TP.HCM giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, khoảng 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 10.000 tỷ đồng vốn xã hội là khoản đầu tư dự kiến để phát triển du lịch đường sông. Diện mạo du lịch đường sông Thành phố sẽ đổi mới hấp dẫn trong tương lai với kế hoạch cải tạo và xây 50 bến đỗ, cầu tàu, nhà chờ… Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Dự án Đầu tư vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn TP.HCM sẽ được thực hiện theo hình thức PPP (hợp đồng BOO). Dự án sẽ góp phần phát triển hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ cho Thành phố.

Về phía DN, bà Dương Thanh Thủy, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư rõ ràng, sự chia sẻ của Thành phố sẽ là động lực lớn giúp DN phát huy lợi thế của du lịch đường thủy. Còn đại diện Saigontourist cho rằng, chỉ cần sự đồng bộ trong chủ trương phát triển du lịch đường sông, lập quy hoạch chất lượng và xây dựng các dự án hấp dẫn, DN sẽ đồng lòng xây dựng những tuyến du lịch đường thủy hút khách cho TP.HCM.