UBND tỉnh Hà Nam cho biết, ngành du lịch phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Tam Chúc đón hơn 3,5 triệu lượt khách. Ảnh: Hương Lan |
Từ khi Khu du lịch Tam Chúc bắt đầu mở cửa đón khách vào năm 2019, Hà Nam đã trở thành một trong những điểm đến mới hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Đến nay, Khu du lịch Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của một khu du lịch quốc gia. Với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu khu du lịch, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của vùng Đồng bằng sông Hồng, duyên hải Đông Bắc và cả nước.
UBND tỉnh Hà Nam cho biết, ngành du lịch phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Tam Chúc đón hơn 3,5 triệu lượt khách, nâng tổng số khách du lịch đến Hà Nam đạt khoảng 5 triệu lượt khách/năm, doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp.
Không chỉ Tam Chúc, nhiều di tích của Hà Nam đã trở thành điểm đến của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện Hà Nam có 222 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương và chùa Đọi Sơn, 92 di tích cấp quốc gia và 128 di tích cấp tỉnh.
Với định hướng phát triển du lịch bền vững, việc phục dựng, tôn tạo, tu bổ di tích, di sản văn hóa luôn được tiến hành thận trọng, bảo đảm yếu tố gốc, tuân thủ các nguyên tắc kiến trúc truyền thống, với những quy định nghiêm ngặt trong Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan.
Quy hoạch tổng thể du lịch Hà Nam cũng xác định phát triển du lịch bền vững gắn với công tác bảo tồn. Điều này đã và đang được hiện thực hóa trong những năm gần đây. Theo đó, Hà Nam đã triển khai nhiều biện pháp linh hoạt nhằm tăng cường quản lý, bảo tồn di tích, ban hành kịp thời nhiều văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc tu bổ, tôn tạo các di tích một cách hiệu quả; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản…
Ảnh: Hương Lan |
Ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam cho biết, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đạt được hiệu quả cao, việc bảo tồn phải tuân thủ triệt để các quy định của quốc tế và trong nước, tránh tác động nhiều vào di tích và cố gắng duy trì, bảo tồn nguyên trạng di tích.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần chú trọng khai thác có hiệu quả giá trị các di sản văn hóa để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch; song, cũng cần có giải pháp phù hợp để du lịch có đóng góp tích cực cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc số hóa di sản văn hóa phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững”, ông Chung cho biết.
Về công tác quy hoạch, theo ông Chung, việc lập quy hoạch các di tích trọng điểm gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch không gian văn hóa Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Quy hoạch tổng thể Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn; triển khai Dự án bảo tồn khu di tích đền Lăng, khu lưu niệm Nhà văn - Liệt sỹ Nam Cao...
Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến Hà Nam ước đạt 3,15 triệu lượt khách, tăng 23,0% so với cùng kỳ, vượt 19,0% kế hoạch. Ảnh: Hương Lan |
3,15 triệu lượt khách đến với Hà Nam năm 2022
Số liệu từ UBND tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2022, hoạt động du lịch của Tỉnh đã hoàn toàn mở cửa. Tổng lượt khách du lịch cả năm ước đạt 3,15 triệu lượt khách, tăng 23,0% so với cùng kỳ, vượt 19,0% kế hoạch (trong đó, khách nội địa 3.011.400 lượt; khách quốc tế 142.100 lượt); doanh thu du lịch ước đạt 2.152,5 tỷ đồng, tăng 31,0% so với cùng kỳ, vượt 21,0% kế hoạch.
Với tiềm năng phát triển du lịch dồi dào, năm 2023, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng để phát triển du lịch, đặc biệt là khu du lịch Tam Chúc; khai thác, phát triển đa dạng các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch làng nghề, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn... Phấn đấu trong năm 2023, đón 3,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 20,6% so với năm 2022; doanh thu du lịch đạt 3.112 tỷ đồng, tăng 45,7% so với năm 2022.