Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Thêm chủ thể được thành lập DN, tăng cường hậu kiểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật Doanh nghiệp (DN) gắn với việc thực hiện các chủ trương, định hướng mới về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế…, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất sửa theo hướng hoàn thiện thể chế cho DN gia nhập thị trường cũng như quản lý ngày càng thuận lợi, hiệu quả.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đề xuất cho phép đối tượng viên chức là các nhà khoa học được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm khoa học. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đề xuất cho phép đối tượng viên chức là các nhà khoa học được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm khoa học. Ảnh: Tiên Giang

Mở rộng đối tượng được thành lập doanh nghiệp

Bộ KH&ĐT cho biết, sau 4 năm có hiệu lực, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã góp phần tích cực trong việc tổ chức quản trị DN theo thông lệ quốc tế, thúc đẩy phát triển DN, thu hút nguồn lực đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình thực thi theo thời gian bộc lộ một số hạn chế khi quy định về gia nhập thị trường và công tác quản lý nhà nước không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cần được sửa đổi, bổ sung để góp phần xây dựng và cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tin cậy, lành mạnh. Tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động gia nhập thị trường của DN.

Cụ thể, Bộ đề xuất mở rộng đối tượng được thành lập DN theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 nhằm cho phép viên chức là các nhà khoa học được tham gia thành lập, quản lý DN kinh doanh các sản phẩm khoa học được nghiên cứu, tăng khả năng thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN).

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc bổ sung quy định mới này sẽ tạo dư địa tốt hơn cho các đối tượng được tham gia hoạt động kinh doanh. Đây là cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy hoạt động KHCN trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo các yếu tố thuận lợi hơn về môi trường kinh doanh…, từ đó phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được đặt ra tại Nghị quyết số 41-NQ/TW cũng như Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Đánh giá cao đề xuất mở rộng đối tượng được thành lập DN, TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, đề xuất được thực thi sẽ mang lại lợi ích lớn, thúc đẩy động lực mới là KHCN phát triển. Lý do là, quy định này được ban hành sẽ giúp tăng khả năng thương mại hóa các nghiên cứu KHCN, nhất là trong bối cảnh KHCN trở thành một trong những động lực cho tăng trưởng; rút ngắn thời gian giữa nghiên cứu và triển khai, từ đó tăng khả năng tài chính cho người nghiên cứu theo cơ chế thương mại hóa sản phẩm, tránh khâu trung gian; giúp khơi thông nguồn lực lĩnh vực KHCN, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao tham gia vào quá trình hoạt động của DN…

Cũng nhằm tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, cơ quan soạn thảo đề xuất, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thành lập DN gắn với quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ điện tử, cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm tải số lượng thông tin kê khai, hạn chế tình trạng giả mạo thông tin thành lập DN.

Tăng cường hậu kiểm

Nhằm xử lý một số vấn đề tiêu cực phát sinh trong thực tiễn như tình trạng “góp vốn khống”, “tăng vốn ảo”, thành lập DN không vì mục đích kinh doanh như đăng ký…, Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung chế tài xử lý đối với DN vi phạm quy định về đăng ký DN.

Theo phản ánh của nhiều cơ quan và địa phương thời gian qua, có tình trạng DN không kê khai nộp thuế hoặc chỉ nộp thuế môn bài; không có hoạt động thu/chi bình thường của một DN (như nộp thuế thu nhập DN, chi trả lương/bảo hiểm xã hội, không phát hành/sử dụng hóa đơn đã đăng ký…); lợi dụng thành lập DN và hình thành pháp nhân để vi phạm pháp luật. Cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc xử lý như: thu hồi giấy phép, yêu cầu giải thể… đối với các pháp nhân này do Luật Doanh nghiệp 2020 và pháp luật liên quan chưa có quy định cụ thể, thống nhất.

Vì vậy, tại Dự thảo Luật, Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung quy định về tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các DN này. Trong đó, bổ sung thành phần hồ sơ bao gồm giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng vốn, thành viên góp vốn, cổ đông bảo đảm khả năng chi trả và góp đủ số vốn chuyển nhượng, đăng ký để hạn chế tình trạng “vốn ảo”, “đăng ký khống vốn điều lệ”, “thành lập DN ma” hoặc tình trạng “núp bóng” tham gia góp vốn, mua cổ phần chi phối DN nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…

TS. Nguyễn Minh Thảo và TS. Nguyễn Phương Bắc đều cho rằng, việc bổ sung, tăng cường chế tài xử lý vi phạm về đăng ký DN là cần thiết. “Việc tăng nặng chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động này là xác đáng, giúp hoạt động đăng ký kinh doanh của DN tuân thủ đúng quy định, thực hiện đúng cam kết của DN khi gia nhập thị trường…”, bà Thảo nói.

Những đề xuất cải cách nêu trên nếu được thông qua sẽ giúp hoạt động gia nhập thị trường của DN ngày càng thuận lợi, sôi động, lành mạnh, sớm hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 41-NQ/TW, Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Tin cùng chuyên mục