Cần tăng cường vai trò của người có thẩm quyền trong giải quyết kiến nghị của nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, quy trình giải quyết kiến nghị trong đấu thầu đã được quy định tại Điều 91 Luật Đấu thầu 2023. Theo đó, nhà thầu gửi đơn kiến nghị lên chủ đầu tư để giải quyết kiến nghị và chủ đầu tư là cấp đầu tiên giải quyết kiến nghị. Tuy nhiên, với các gói thầu nhỏ ở địa phương, chủ đầu tư là cấp xã, năng lực chuyên môn về đấu thầu khá hạn chế nên kết quả giải quyết kiến nghị có thể không được như mong muốn của nhà thầu.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, đồng thời phân cấp trách nhiệm của các bên trong xử lý kiến nghị, vai trò của người có thẩm quyền như chủ tịch UBND cấp huyện đối với gói thầu được giao cho xã làm chủ đầu tư là rất quan trọng. Trường hợp nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, hoặc hết thời hạn mà chủ đầu tư không có văn bản giải quyết kiến nghị thì nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền. Chất lượng và kết quả giải quyết kiến nghị của người có thẩm quyền có vai trò rất quan trọng, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, góp phần củng cố niềm tin, giảm thiểu kiến nghị, khiếu nại, tố cáo kéo dài lên các cơ quan chức năng cấp trên…

Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp báo cáo Chính phủ giao thêm trách nhiệm giải quyết kiến nghị triệt để về kết quả lựa chọn nhà thầu cho người có thẩm quyền để tăng cường trách nhiệm quản lý trong công tác đấu thầu ở địa phương, nhất là các dự án do UBND cấp xã làm chủ đầu tư. Trường hợp kiến nghị của nhà thầu không được giải quyết dứt điểm, nhà thầu có quyền kiến nghị đến hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị do UBND cấp tỉnh thành lập.

Tin cùng chuyên mục