Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại

(BĐT) - Sáng nay (8/11), Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Chính phủ cho rằng, việc sửa đổi Luật này ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải các hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế.
Dự thảo Luật Quản lý thuế quy định về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế
Dự thảo Luật Quản lý thuế quy định về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế

Bổ sung quy định xử lý nợ đọng thuế

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp  đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế. Quy định này là phù hợp với thực tế, khi mà nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi. Đồng thời, quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ.

Hiện, Luật quản lý thuế quy định Thủ tướng Chính phủ xoá nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên; tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 05 tỷ đồng trở lên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 01 tỷ đến dưới 05 tỷ đồng. Bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 01 tỷ đồng.

Thẩm tra Dự án này, UB TC-NS cho biết, đối với trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với dự thảo Luật. Riêng đối với số nợ tiền đất (bao gồm cả tiền sử dụng đất) trên 10 năm đề nghị không nên điều chỉnh nội dung này.

Một số ý kiến cho rằng, việc xác định các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi chưa được định lượng rõ ràng, thời gian 10 năm có thể dẫn đến việc lợi dụng, trốn thuế trong khi người nộp thuế vẫn còn tài sản. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

Về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, có ý kiến trong UBTC-NS đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế tiền chậm nộp, tiền phạt. Có ý kiến khác đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế.

Phải phối hợp nhiều cơ quan trong quản lý thuế

Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến quản lý thuế, không nhắc lại nhiệm vụ quyền hạn đã được quy định tại các văn bản pháp luật liên quan. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong quản lý thuế; Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quản lý thuế, có nhiệm vụ, quyền hạn quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 15 dự thảo Luật. Các bộ, ngành có liên quan được xây dựng theo hướng phối hợp thực hiện quản lý thuế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành.

Dự thảo Luật đã quy định cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước thực hiện kiểm toán, thanh tra các hoạt động có liên quan đến cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về kiểm toán nhà nước, pháp luật về thanh tra, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, đối với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế: trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Luật quản lý thuế hiện hành quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản... theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, bổ sung các quy định như khấu trừ, nộp thay tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; cung cấp thông tin để quản lý thuế phù hợp với việc quản lý thuế theo phương thức điện tử, đồng bộ trong phát triển Chính phủ điện tử và đảm bảo phù hợp với pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng.

Thẩm tra về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, UB TC-NS đề nghị bổ sung những nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế.

Cùng với đó, bổ sung quy định quyền của người nộp thuế được nhận biên bản của cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền khi kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi thanh tra, kiểm toán công tác quản lý thu NSNN của cơ quan quản lý thuế.

Một số ý kiến đề nghị quy định cơ quan quản lý thuế thực hiện việc quyết toán thuế tại các doanh nghiệp có quy mô lớn (căn cứ trên cơ sở vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận, số nộp NSNN hàng năm) và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Tin cùng chuyên mục