Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật PPP: Nhiều quy định mới về lựa chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đưa ra quy trình vừa giúp lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, phát huy trí tuệ, sáng tạo của khu vực tư nhân, vừa giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật PPP quy định chi tiết về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật PPP quy định chi tiết về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Ảnh: Lê Tiên

Đơn giản hóa thủ tục

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Luật PPP quy định nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó bao gồm kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay nhằm tìm hiểu, đánh giá tính khả thi, hấp dẫn của dự án đối với khu vực tư nhân cũng như khảo sát ý kiến rộng rãi về một số yêu cầu kỹ thuật trong dự án.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật PPP (Điều 31 Khoản 3), lựa chọn nhà đầu tư quốc tế được áp dụng đối với tất cả dự án PPP, trừ các trường hợp: dự án thuộc ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đối với những dự án chỉ có nhà đầu tư trong nước quan tâm thì việc áp dụng sơ tuyển rộng rãi quốc tế và lựa chọn nhà đầu tư quốc tế đối với những dự án này sẽ dẫn đến kéo dài thời gian, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư dự án. Vì vậy, với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư, Dự thảo Nghị định được thiết kế theo hướng lồng ghép việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư và việc áp dụng sơ tuyển thông qua bước khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư.

Theo đó, kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư (trong nước hay quốc tế, sơ tuyển hay không sơ tuyển) của dự án. Trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thì áp dụng đấu thầu quốc tế; trường hợp có từ 6 nhà đầu tư trở lên quan tâm thì áp dụng sơ tuyển.

Phát huy sáng tạo của nhà đầu tư

Theo yêu cầu tại Luật PPP, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Trong đó, đàm phán cạnh tranh là hình thức mới được quy định tại Luật PPP, áp dụng đối với 2 nhóm dự án. Một là dự án có không quá 3 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án được mời tham dự; hai là dự án ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

“Việc quy định về hình thức đàm phán cạnh tranh phản ánh xu hướng chung của thế giới nhằm tăng cường đối thoại giữa khu vực công và khu vực tư trong quá trình lựa chọn đối tác tư nhân thực hiện hợp đồng dự án PPP”, Bộ KH&ĐT nhận định.

Căn cứ đặc thù từng nhóm dự án, Dự thảo Nghị định quy định quy trình đàm phán cạnh tranh tương ứng. Cụ thể, đối với dự án có không quá 3 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện, thủ tục thực hiện đàm phán trong trường hợp này phù hợp với loại dự án có một số yếu tố đặc biệt cần áp dụng giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm rút ngắn tiến độ và hoàn thành xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng trong một khoảng thời gian nhất định, đạt mức tiết kiệm năng lượng cao, bảo vệ môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền cần phải khảo sát để xác định chỉ có không quá 3 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án thì áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật PPP.

Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ mới, cơ quan có thẩm quyền chỉ xác định yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng của công trình, hệ thống hạ tầng tại quyết định chủ trương đầu tư.

Thực tế, dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới có thể được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm dự thầu (ví dụ dự án xử lý rác thải tại Đà Nẵng có 27 nhà đầu tư quan tâm). Quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cần có sự trao đổi, đàm phán giữa các bên để xác định số lượng nhà đầu tư hợp lý mà vẫn bảo đảm có sự cạnh tranh, đồng thời cho phép đạt được sự hiểu biết chung về cách thức triển khai dự án giữa cơ quan có thẩm quyền và các nhà đầu tư tiềm năng (về sở hữu công nghệ cao, công nghệ mới; có phương án huy động vốn). Căn cứ kết quả đàm phán, cơ quan có thẩm quyền nắm bắt rõ công nghệ, cách thức triển khai dự án để có cơ sở hoàn thiện hồ sơ mời thầu.

Trên cơ sở đó, Dự thảo Nghị định quy định quy trình đàm phán cạnh tranh bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đàm phán sẽ lựa chọn danh sách ngắn bao gồm các nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, chứng minh được công nghệ đề xuất; đàm phán để lập hồ sơ mời thầu. Giai đoạn mời thầu sẽ lựa chọn nhà đầu tư có phương án triển khai dự án hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục