Đưa nhanh vốn đầu tư công năm 2024 vào các dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung, sở kế hoạch và đầu tư kiến nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng cho hàng loạt dự án, để vốn đầu tư công năm 2024 sớm được giải ngân trong thực tế, tránh tình trạng bị động và không dồn vốn cuối năm.
Tại Thừa Thiên Huế, Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương được bố trí hơn 360 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024. Ảnh: ST
Tại Thừa Thiên Huế, Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương được bố trí hơn 360 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024. Ảnh: ST

Những kiến nghị cụ thể

Trong công văn gửi UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Khánh Hòa kiến nghị việc chỉ đạo “Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẩn trương thực hiện hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận để phân bổ hết nguồn vốn Trung ương giao năm 2024”. Dự án có tổng mức đầu tư 1.930 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý I/2024, song đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục đầu tư.

Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị Tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc khẩn trương rà soát, có văn bản đề xuất gửi Sở tham mưu UBND Tỉnh giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 còn lại chưa phân bổ đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tháng 1/2024.

Tại Bình Định, Sở KH&ĐT kiến nghị UBND Tỉnh chỉ đạo các đơn vị sớm lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND Tỉnh về thống nhất danh mục các dự án trọng điểm giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư để đủ điều kiện giao hết nguồn ngân sách địa phương trước ngày 30/6.

Tại Quảng Ngãi, Sở KH&ĐT tỉnh này đề xuất UBND Tỉnh sớm yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác kiểm đếm khối lượng giải tỏa; xác minh nguồn gốc sử dụng đất; lập phương án bồi thường, niêm yết công khai lấy ý kiến, hoàn chỉnh phương án giá đất và quyết định phê duyệt giá đất cụ thể; thực hiện chi trả bồi thường theo quy định; sẵn sàng áp dụng các biện pháp mạnh đối với các trường hợp phương án bồi thường, hỗ trợ đã tính đúng, đủ và bảo đảm đúng chế độ chính sách, pháp luật nhưng vẫn cố tình khiếu nại không bàn giao mặt bằng nhằm đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trong năm 2024.

Tại Đà Nẵng, năm 2024, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, địa phương có dự án cần phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai, đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Trong đó, phối hợp hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường vành đai phía Tây (vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng); tuyến ven biển nối cảng Liên Chiểu (1.203 tỷ đồng); Dự án Bến cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung…

Loạt dự án sắp được bố trí vốn

Năm 2024, Thừa Thiên Huế được phân bổ gần 6.258 tỷ đồng vốn đầu tư công. Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cho biết, sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm. Trong đó, Dự án Xây dựng tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc (Phong Điền) có tổng vốn đầu tư 568 tỷ đồng, đã giải ngân 355 tỷ đồng, kinh phí còn lại sẽ bố trí năm 2024; đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương bố trí vốn năm 2024 là 360,646 tỷ đồng; đường bộ ven biển và cầu vượt cửa biển Thuận An là 547,332 tỷ đồng; đường Vành đai 3 là 165,086 tỷ đồng; đường Phú Mỹ - Thuận An là 26 tỷ đồng...

Đối với Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND Tỉnh Đặng Văn Minh nhận định, việc đẩy nhanh và hoàn thành tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để phát triển hạ tầng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong năm 2024. Theo Ban QLDA đầu tư và xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi, những dự án hấp thụ vốn lớn năm 2024 sẽ được bố trí là đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng; cầu Trà Khúc 1 với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng…

Tại Bình Định, để có thể hấp thụ hết nguồn vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, Bình Định sẽ tập trung ưu tiên cho các dự án giao thông trọng điểm, gồm: đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân; tuyến đường trục Đông - Tây kết nối với tuyến đường phía Tây của Tỉnh (ĐT 638); cải tạo, nâng cấp tuyến đường Trần Nhân Tông, TP. Quy Nhơn. Ngoài ra, Tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư Dự án nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát; xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai); hoàn thiện tuyến nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn (Bình Định đã lập dự án với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng); 38,14 km còn lại của tuyến đường ven biển (đoạn Mỹ Thành - Lại Giang).

Tại Khánh Hoà, để giải ngân đầu tư công đạt kế hoạch, bên cạnh các giải pháp đang triển khai, Tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tư pháp nghiên cứu, tham mưu về cơ sở pháp lý phương án tách giải phóng mặt bằng và xây lắp trong 1 dự án thành 2 hợp phần riêng. Trước mắt, nếu tham mưu kịp thời và đúng quy định, sẽ triển khai tại Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Đối với các dự án đang triển khai, giữ nguyên thủ tục đầu tư cũ, tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, bố trí vốn kịp thời, như: Dự án đập ngăn mặn trên sông Cái (vốn đầu tư gần 760 tỷ đồng); Dự án đường vành đai 2 (1.190 tỷ đồng)…

Tin cùng chuyên mục