Đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Nỗi lo nguồn vốn đầu tư

(BĐT) - Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. 
Tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam dự kiến khoảng 118.716 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn
Tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam dự kiến khoảng 118.716 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn về nguồn vốn, phương án tính toán đảm bảo hiệu quả nguồn vốn và vấn đề năng lực của nhà thầu trong 8/11 dự án BOT. 

Lo rủi ro đội vốn, giải phóng mặt bằng

Theo Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, dự kiến lộ trình đầu tư dự án sẽ theo 3 giai đoạn: giai đoạn 2017 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn sau năm 2025.

Trong giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành phố (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long). Trong đó, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT; 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đầu tư công truyền thống.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án khoảng 118.716 tỷ đồng.  Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ; nguồn vốn nhà đầu tư khoảng gần 64.000 tỷ đồng.

Theo đại biểu Trần Việt Khoa (đoàn Hà Nội), cơ quan soạn thảo cần làm rõ hiệu quả đầu tư vì phải tính phương thức có hiệu quả kinh tế cao nhất trong điều kiện đất nước còn khó khăn về tài chính, ngân sách còn dựa vào đi vay. Cùng với đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án khoảng 118.716 tỷ đồng cũng cần được làm rõ, nếu không đảm bảo được nguồn vốn, phải đi vay thì rất dễ bị đội vốn.

Đại biểu Khoa cũng đặt vấn đề về sự phát triển của giao thông ngày càng tăng với mật độ phát triển mạnh, nên nếu không tính tầm phát triển vài chục năm thì rất khó. “Nếu thông qua thì đề nghị Chính phủ phải thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng trực tiếp phụ trách, nếu không tiến độ chậm, đội vốn và chất lượng công trình không đảm bảo”.

Cũng bàn về tính khả thi của dự án, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) kiến nghị, Ban soạn thảo cần tính toán độ nhạy của dự án, bởi những dự án trong đầu tư dài hạn thường phát sinh rủi ro. Đặc biệt, với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, thời tiết biến đổi khí hậu hiện nay cũng tác động đến quá trình thi công.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị cần tăng cường giám sát công trình, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng vì liên quan đến 8.000 hộ dân. Đồng thời, cũng cần sớm công khai mức phí để người dân và các hiệp hội vận tải được biết trước. 

Lựa chọn nhà thầu đủ năng lực

Về kinh phí đầu tư, đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) cho rằng, suất đầu tư mỗi km đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam thấp hơn so với Bộ Xây dựng tính toán (khoảng 200 tỷ đồng/km cho 6 làn xe). Ông Quốc nêu thực tế, tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long dài 20 km đầu tư với mức 13.000 tỷ đồng; tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài trên 50 km có vốn đầu tư là hơn 20.600 tỷ đồng. Nếu so sánh với báo cáo tiền khả thi về Dự án Cao tốc Bắc - Nam thì chưa sát với thực tế. Do đó, có thể khi triển khai sẽ bị đội vốn. Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan nên tính toán lại.

Vị đại biểu này cũng lưu ý đến vấn đề giải ngân nguồn vốn, cam kết cụ thể để giải ngân, và đề nghị tính toán đến giải pháp, thể chế giải ngân, tránh chậm tiến độ do giải ngân.

Bên cạnh đó, ông Quốc cũng quan tâm tới những vấn đề có thể xảy ra khi áp dụng hình thức đầu tư BOT vốn đã mang “tai tiếng” trong dư luận. BOT chưa làm tốt được khâu thẩm định, phê duyệt, kiểm tra và nếu đầu tư theo hình thức này sẽ phải chịu 3 lần lãi suất.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) thì quan tâm đến vấn đề lựa chọn nhà thầu và năng lực của nhà thầu được lựa chọn để triển khai dự án. Đại biểu Đức góp ý, báo cáo của Chính phủ cần phải rất cụ thể về vấn đề lựa chọn nhà thầu và năng lực của nhà thầu.

Bên cạnh những ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) lại đặt vấn đề về tác động khi dự án này hoàn thành. Ông Đức đặt câu hỏi: Những con đường hiện tại hiệu quả hoạt động sẽ ra sao? Vì nếu làm đường cao tốc, rồi đường sắt cao tốc ra đời thì Quốc lộ 1, đường sắt hiện tại sẽ như thế nào?

Ông Đức dẫn chứng việc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau khi hoàn thành thì vắng người đi, để hoàn vốn thì phí phải cao nên xe đi càng vắng, phương tiện dồn hết sang Quốc lộ 5. “Như thế là không hiệu quả” – đại biểu Đức đánh giá. Vì vậy, vị đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị Chính phủ cần tính kỹ, vì theo Tờ trình chỉ có 3 tuyến là đầu tư công truyền thống, còn lại là đầu tư BOT.

Tin cùng chuyên mục