Theo thông tin cập nhật của BHXH Việt Nam về tình hình chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 của nghình BHXH Việt Nam tính đến hết ngày 13/12/2021, toàn nghình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 841 đơn vị với 159.881 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.111,3 tỷ đồng tại 57 tỉnh, thành phố.
Đồng thời xác nhận danh sách cho 2.870.939 lao động của 69.456 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 1.928.656 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 61.995 đơn vị; 595.307 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 5.694 đơn vị; 4.102 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 40 đơn vị; 82.920 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 1.036 đơn vị, được NSDLĐ vay vốn trả lương ngừng việc; 224.928 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động) của 460 đơn vị; 35.026 NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với NSDLĐ hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) của 231 đơn vị.
Cũng tính đến ngày 13/12/2021, ngành BHXH đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 12.546.348 lao động (trong đó, đang tham gia BHTN là 11.552.036 lao động; đã dừng tham gia BHTN 994.312 lao động) với tổng số tiền hỗ trợ là 29,671 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được kết quả này, trước đó, BHXH Việt Nam đã tổ chức 5 đoàn công tác do Tổng giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc làm trưởng đoàn làm việc tại BHXH 9 tỉnh, thành phố để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ NSDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Cụ thể, tại TP.HCM, tính đến ngày 12/12, cơ quan BHXH đã giải quyết cho chi hỗ trợ cho 83.550 công ty, doanh nghiệp được giảm đóng vào Quỹ BHTN từ 1% xuống 0% với tổng số tiền hơn 1.890 tỷ đồng; giải quyết chi hỗ trợ cho hơn 2,35 triệu người lao động ở 81.590 công ty, doanh nghiệp, trong đó có hơn 167.000 người lao động đang bảo lưu quá trình tham gia BHTN với tổng số tiền hơn 5.578 tỷ đồng. Trong khi đó, Thành phố hiện có gần 3 triệu người đang tham gia hoặc đang bảo lưu BHTN thuộc diện được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 với tổng số tiền dự kiến chi hỗ trợ là hơn 6.000 tỷ đồng.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 5/12, BHXH Tỉnh đã chi hỗ trợ cho 807,8 nghìn lao động, với số tiền gần 2 nghìn tỷ đồng, trong đó có 757 nghìn lao động đang tham gia BHTN và 50,7 nghìn lao động bảo lưu quá trình tham gia BHTN. Trước đó, BHXH Tỉnh đã hoàn thành việc giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống 0% đối với 9.862 đơn vị SDLĐ.
Trong buổi làm việc với Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh mới đây, BHXH tỉnh Hưng Yên cho biết, cơ quan này cũng đã tiếp nhận đề nghị hưởng hỗ trợ từ 207.607 lao động. Trong đó, số lao động đang tham gia BHTN đề nghị hưởng là 196.687 người (bằng 99,21% số lao động đang tham gia đã nhận danh sách theo Mẫu số 01 do cơ quan BHXH gửi, 76 NLĐ đang tham gia BHTN nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ; còn 1.488 lao động đang tiếp tục rà soát. Số lao động đã dừng tham gia BHTN đề nghị hưởng là 10.920 người. Hiện toàn Tỉnh đã chi trả hơn 489 tỷ đồng tiền hỗ trợ cho NLĐ, trong đó đa số chi qua tài khoản cá nhân (chiếm 98% so với tổng số chi).
Do đó, để đảm bảo quyền lợi được hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116, theo thông báo của cơ quan BHXH, NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021, có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm (không bao gồm người có quyết định hưởng lương hưu hàng tháng) nhưng chưa nhận hỗ trợ, thì cần nhanh chóng gửi hồ sơ trực tiếp đến cơ quan BHXH quận/huyện/thành phố trên địa bàn; hoặc qua đường bưu điện; hoặc gửi trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam; hoặc ứng dụng BHXH số (ứng dụng VssID); hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động rà soát lại các trường hợp đang bảo lưu thời gian tham gia BHTN, có giải pháp cụ thể để khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế như thông báo đến tận từng xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố bằng nhiều hình thức về thời hạn nộp hồ sơ, thủ tục nhận tiền hỗ trợ. Đồng thời, cần cảnh báo người lao động về tình trạng giả mạo tin nhắn, gọi điện, email… thông báo nhận tiền hỗ trợ để chiếm đoạt tiền trong tài khoản cá nhân. Tình trạng này đã xảy ra ở một số địa phương như TP.HCM, TP. Hà Nội, Hưng Yên…