Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất: Thận trọng nhưng phải nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 1 tháng đã trôi qua kể từ lúc Bộ Tài chính trình đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021 để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Có ý kiến cho rằng, cần giảm yêu cầu với các điều kiện thụ hưởng và sớm thực thi các giải pháp này để kịp thời giúp DN khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Những chính sách hỗ trợ về thuế, phí dài hạn hơn, hiệu quả hơn sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Ảnh: Lê Tiên
Những chính sách hỗ trợ về thuế, phí dài hạn hơn, hiệu quả hơn sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Ảnh: Lê Tiên

Đề xuất chậm nộp ngân sách 115 nghìn tỷ đồng

Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, năm 2020, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngành tài chính đã gia hạn 87.000 tỷ đồng tiền thuế và thuê đất. Theo Bộ Tài chính, mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng thực tế cho thấy diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc. Vì vậy, cơ quan này cho rằng, việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các DN, cá nhân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trên cơ sở đó, ngày 22/1/2021, Bộ Tài chính có tờ trình gửi Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn nộp thuế 3 tháng đối với số thuế thu nhập DN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế thu nhập DN năm 2021. Ước tính số thuế thu nhập DN được gia hạn khoảng 40.500 tỷ đồng.

Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các DN, tổ chức đủ điều kiện. Thời gian thực hiện gia hạn là 5 tháng. Ước số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các tháng đó giảm khoảng 68.800 tỷ đồng.

Đối với hộ kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân năm 2021 khoảng 1.300 tỷ đồng. Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng. Tuy nhiên số thu NSNN năm 2021 không giảm do các DN và hộ kinh doanh phải nộp đủ số thuế được gia hạn trước ngày 31/12/2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ DN đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng DN đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và duy trì tăng trưởng”.

Cần giảm điều kiện thụ hưởng và làm nhanh

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội (HASME) cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa vẫn cầm chừng.

Do đó, Nhà nước cần tiếp tục duy trì những chính sách hỗ trợ về thuế, phí dài hạn hơn, hiệu quả hơn, góp phần giúp DN có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất trong năm 2021 và các năm tiếp theo, đồng thời, cần nghiên cứu giảm các điều kiện thụ hưởng để có thêm nhiều doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ chính sách này.

Mặt khác, dịch bệnh vẫn còn phức tạp và được dự báo khó có thể kết thúc sớm, các chính sách hỗ trợ ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến việc hoạch định chiến lược trung và dài hạn của DN. Do đó, các chính sách hỗ trợ đưa ra nên có tầm nhìn, có tính dự báo dài hạn hơn.

Trong khi đó, theo PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, việc gia hạn này không ảnh hưởng quá lớn đến NSNN nhưng có tác động tương đối tốt đối với các DN. Theo đó, thay vì phải nộp tiền thuế và tiền thuê đất, DN có thể dùng tiền đó để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Như vậy, DN vừa giảm áp lực vay ngân hàng để kinh doanh vừa không phải trả tiền chậm nộp.

Từ góc độ NSNN, nguồn thu NSNN cũng là nguồn chi cho các mục đích và hoạt động đã được quy định. Việc nguồn thu về chậm hơn so với quy định sẽ ảnh hưởng đến nguồn chi. Do đó, việc thận trọng trong tính toán đối tượng và thời hạn gia hạn là cần thiết để tránh các tác động bất lợi với tiềm lực tài chính của quốc gia.

“Tuy nhiên, nếu quá chậm trễ ban hành có thể làm giảm hiệu quả của chính sách trong khi đó, ở thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ đã bắt đầu ngấm tác động bất lợi từ đợt bùng phát dịch cuối tháng 1 vừa qua”, ông Long nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục