Giải bài toán cân bằng giữa lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 24/10/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng thời ban hành 3 quyết định về điều chỉnh các mức lãi suất (Quyết định số 1809/QĐ-NHNN; số 1812/QĐ-NHNN; số 1813/QĐ-NHNN), có hiệu lực từ ngày 25/10/2022.
Từ ngày 25/10, lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tăng 1 điểm % so với mức được áp dụng ngày 23/9. Ảnh: Lê Tiên
Từ ngày 25/10, lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tăng 1 điểm % so với mức được áp dụng ngày 23/9. Ảnh: Lê Tiên

Cùng với động thái điều chỉnh lãi suất, NHNN khẳng định, sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Theo NHNN, việc điều hành chính sách tiền tệ luôn bám sát các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa cùng các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, lạm phát toàn cầu ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu (federal funds target rate) lên mức 3 - 3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Theo đó, để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, thể hiện trong 3 quyết định nói trên.

Với quy định mới, từ ngày 25/10, lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng chính thức tăng 1 điểm % so với mức mới được áp dụng ngày 23/9. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) từ 6%/năm lên 7%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, trong thời gian qua, NHNN đã điều hành khá thành công, giữ được đồng tiền Việt Nam không quá mất giá. Tuy nhiên, nếu giữ mặt bằng lãi suất quá thấp và quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác.

Cũng theo ông Nguyễn Tú Anh, giải pháp chính sách phải làm sao có thể giữ ổn định, nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền. Chính vì vậy, việc điều chỉnh lãi suất để một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, đồng thời đạt được những mục tiêu về lạm phát để góp phần ổn định, thực hiện các mục tiêu kinh tế lớn.

TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhìn nhận, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá, lãi suất luôn nằm trong tính toán nhiều chiều, nhiều khía cạnh của NHNN như lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, ổn định và tăng trưởng kinh tế. Cách điều hành của NHNN cho thấy, chính sách ngày càng phản ứng linh hoạt hơn, nhằm tìm điểm cân bằng tốt hơn với tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế, trước các tác động tiêu cực và thách thức mới đến từ bên ngoài. Theo ông Thành, một chính sách tiền tệ hiệu quả là chính sách vẫn giữ được ổn định vĩ mô, hỗ trợ xuất khẩu mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát.

Bên cạnh những đánh giá tích cực, một số ý kiến quan ngại mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng sẽ đẩy chi phí tài chính lên cao, gây áp lực với lạm phát và khiến đời sống doanh nghiệp càng thêm chật vật. TS. Vũ Đình Ánh nhận định, quyết định tăng lãi suất lần này cho thấy chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng thắt chặt mạnh và đón đầu khả năng tăng lãi suất sắp tới của FED. Chỉ trong hơn 1 tháng, đã có 2 lần tăng lãi suất điều hành với mức tăng đến 2 điểm %, rất cao so với các nước khác. “Tăng lãi suất nhằm hướng đến ổn định tỷ giá USD/VND, nhưng sau hơn 1 tháng kể từ lần điều chỉnh lãi suất ngày 23/9, tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng mạnh. Vậy hiệu quả kiềm chế áp lực tỷ giá như thế nào?”, ông Ánh đặt câu hỏi và cho rằng, cần đặt câu hỏi này trong tương quan so sánh với khó khăn mà nền kinh tế và các doanh nghiệp đang gánh chịu do lãi suất tăng cao.

Đại biểu Lê Hữu Trí, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nhận định, nền kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng cao nhưng hầu hết doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng để tiếp tục phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất. Do đó, Chính phủ nên quan tâm, đánh giá đúng mức thực trạng doanh nghiệp để sớm tháo gỡ khó khăn, nhất là vấn đề về vốn, nhằm nuôi dưỡng sức tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục