Giảm áp lực đầu tư lưới truyền tải điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gỡ “điểm nghẽn” về cơ chế pháp lý nhằm thu hút tư nhân tham gia đầu tư mạng lưới truyền tải điện đã cơ bản được thể hiện tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật vừa được Quốc hội thông qua. Với cơ sở pháp lý này, nhiều chuyên gia kinh tế và năng lượng cho rằng, cánh cửa cho tư nhân đầu tư vào truyền tải điện được rộng mở, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, song cần tính toán thận trọng, chắc chắn, có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước.
Nhu cầu vốn đầu tư cho mạng lưới truyền tải điện trong thời gian tới rất lớn. Ảnh: Lê Tiên
Nhu cầu vốn đầu tư cho mạng lưới truyền tải điện trong thời gian tới rất lớn. Ảnh: Lê Tiên

Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực 2004, “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải”, nhưng lại chưa quy định rõ Nhà nước độc quyền những công đoạn nào trong hoạt động truyền tải. Vì vậy, thời gian qua, việc đầu tư lưới điện truyền tải chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển nguồn điện.

Nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư vào lưới điện truyền tải, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật bổ sung Khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực nội dung: “Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng”. Cùng với đó, bổ sung Khoản 2a, Điều 4: “Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”.

Ngoài ra, bổ sung Điểm d1 vào sau Điểm d Khoản 1 Điều 4 với nội dung: “Đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật”; bổ sung Điểm h1 vào sau Điểm h Khoản 2 Điều 4: “Bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; trường hợp từ chối đấu nối thì thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương”.

Tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện giai đoạn 2021 - 2030 cũng như giai đoạn 2031 - 2045 lên tới hàng chục tỷ USD.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc từng bước xã hội hóa hoạt động truyền tải điện là cần thiết và có cơ sở thực tiễn trong bối cảnh hiện nay khi việc thu xếp vốn cho đầu tư điện nói chung, truyền tải điện nói riêng hết sức khó khăn.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, hàng loạt dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) hoàn thành và đưa vào vận hành nhưng đã phải cắt giảm công suất mà nguyên nhân chủ yếu do thiếu lưới truyền tải khiến một số nhà đầu tư “cầu cứu” lên cấp có thẩm quyền.

Mới đây, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) thông báo mời thầu thu xếp vốn cho 8 dự án lưới điện trong năm 2022 với tổng nhu cầu vốn lên tới 3.611 tỷ đồng, trong đó dự kiến vốn vay là 2.500 tỷ đồng. Một số dự án cần vốn đầu tư trong giai đoạn này là: Dự án Lắp máy biến áp 500kV thứ 2 và máy biến áp 220kV Đức Hòa và đấu nối; Dự án Trạm biến áp 220kV Nam Hòa; Dự án Trạm biến áp 220kV Gia Lộc và đường dây đấu nối; Dự án Đường dây 220kV Thạnh Mỹ - Duy Xuyên…

Tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, nhu cầu vốn đầu tư cho lưới điện giai đoạn 2021 - 2030 cũng như giai đoạn 2031 - 2045 lên tới hàng chục tỷ USD.

Với cơ chế rõ ràng hơn trong thu hút đầu tư lưới điện truyền tải, theo nhiều chuyên gia kinh tế và năng lượng, việc sửa đổi này đã mở cánh cửa cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, với một thị trường bán lẻ điện phát triển, việc tham gia đầu tư của tư nhân vào lưới điện truyền tải là bình thường.

Tuy nhiên, theo ông Long, việc thiết lập cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài nhà nước tham gia vào khâu này đến đâu và vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần phải tính toán thận trọng và chắc chắn. Lý do là, vận hành lưới truyền tải rất phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện nói chung.

Về vấn đề này, trong Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cần thiết trong thực tế để vừa thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư lưới điện truyền tải, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn hệ thống điện theo quy định.