Giảm thuế GTGT: Cần gỡ vướng cách ghi hóa đơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đề xuất sửa đổi liên quan đến vướng mắc về ghi hóa đơn.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính nhận được một số công văn của các cục thuế, doanh nghiệp phản ánh vướng mắc.

Tại TP.HCM, hệ thống siêu thị Coopmart phản ánh trong 1 ngày hệ thống sử dụng trên 10.000 hóa đơn điện tử, phần mềm hóa đơn điện tử cho phép tách riêng nhiều thuế suất trên 1 hóa đơn, các siêu thị đã xuất hóa đơn điện tử ghi nhiều mức thuế khác nhau nay phải tách riêng thì rất tốn kém chi phí.

Tại Hải Phòng, công ty cấp nước thực hiện thu tiền nước trên toàn địa bàn Thành phố, nội dung hóa đơn hiện 2 khoản thu: khoản thu tiền nước (thuế 5%) và khoản thu hộ tiền dịch vụ thoát nước cho Thành phố (thuế suất 10%), số hóa đơn lập giao cho khách hàng trung bình 1 tháng là 400.000 hóa đơn. Nếu phải lập hóa đơn riêng cho khoản thu hộ tiền dịch vụ thoát nước (được áp dụng 8%), thì số hóa đơn lập 1 tháng sẽ tăng gấp 2 lần.

Ngoài ra, tiền dịch vụ thoát nước xác định căn cứ vào số nước tiêu thụ trong tháng nên việc tách hóa đơn sẽ khó khăn trong đối chiếu, kiểm tra…, gây khó khăn trong việc thu tiền nước và tiền phí thoát nước từ phía khách hàng; chưa kể phát sinh chi phí về nâng cấp, sửa đổi phần mềm hóa đơn, nhân lực đi kèm…

Theo đề xuất của các cục thuế, nếu doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn trên đó thể hiện được các loại thuế suất khác nhau, đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ thuế theo Luật Thuế GTGT và chính sách giảm thuế của Quốc hội, thì doanh nghiệp được lập chung hóa đơn để giao cho khách hàng (trong đó có cả hàng hóa, dịch vụ không được giảm và hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT).

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT thì không được giảm thuế.

Qua nghiên cứu, rà soát, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP như sau: “Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế GTGT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều này”.

Về hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính trình có hiệu lực từ ngày ký. Đồng thời, quy định điều khoản xử lý hồi tố cho các trường hợp không lập hóa đơn riêng từ ngày 1/2/2022 đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT như sau: “Trường hợp từ ngày 1/2/2022 đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, cơ sở kinh doanh đã thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị định này thì không phải điều chỉnh lại hóa đơn và không bị xử phạt hành chính về thuế và hóa đơn”.

Hiện nay, theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT thì mới được áp dụng thuế suất 8%.

Quy định này theo phản ánh của doanh nghiệp là làm tăng chi phí của doanh nghiệp (tăng chi phí thời gian của kế toán và chi phí sử dụng hóa đơn) vì đối với cùng một khách hàng, thay vì lập 1 hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau thì doanh nghiệp phải lập 2 hóa đơn: 1 hóa đơn ghi thuế 8% và 1 hóa đơn ghi các thuế suất khác (5%, 10%).

Trên thực tế, trên mẫu hóa đơn của doanh nghiệp, chỉ tiêu thuế suất được thiết kế theo dạng cột nên cơ sở kinh doanh có thể lập nhiều mức thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn, trong đó có hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế.

Tin cùng chuyên mục