Gỡ khó giải ngân cho Dự án Tuyến metro tại TP.HCM: Không để chậm thanh toán cho nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đoàn công tác của Chính phủ vừa có chuyến làm việc tại TP.HCM để đánh giá việc sử dụng vốn vay ODA các dự án tại Thành phố.
Dự án Tuyến metro số 1 đã đạt khối lượng thi công hơn 70%,
đang tăng tốc để về đích trong năm 2021, nhưng còn vướng về việc sử dụng đồng
tiền thanh toán. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Tuyến metro số 1 đã đạt khối lượng thi công hơn 70%, đang tăng tốc để về đích trong năm 2021, nhưng còn vướng về việc sử dụng đồng tiền thanh toán. Ảnh: Lê Tiên

Vấn đề liên quan đến Dự án Tuyến metro số 1, đặc biệt là thanh toán bằng đồng tiền nào để đẩy nhanh tiến độ của Dự án nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả được đặc biệt quan tâm. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang tích cực phối hợp cùng các bên, hỗ trợ thúc đẩy giải ngân, không để chậm thanh toán cho nhà thầu.

Tỷ lệ giải ngân các dự án ODA đang thấp

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố đang triển khai thực hiện 9 dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài. Tổng vốn đầu tư của 9 dự án là 122.567 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 102.732 tỷ đồng, vốn đối ứng là 19.835 tỷ đồng. Các dự án này tập trung vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, chống ngập và cải thiện môi trường.

“Thành phố được giao kế hoạch vốn ODA, vốn cấp phát và từ ngân sách trung ương là 5.044 tỷ đồng. Dự toán vốn ODA vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 14.190 tỷ đồng. Tính đến tháng 6, lũy kế giải ngân vốn ODA đạt 1.601 tỷ đồng, đạt 10,31% kế hoạch vốn giao”, ông Hoan cho biết.

Theo UBND TP.HCM, việc giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm rất chậm do một số dự án đang trình Thủ tướng điều chỉnh thời gian thực hiện. Dự án Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) mới phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Nhiều hạng mục công trình chưa thể hoàn thành vì các chuyên gia nước ngoài chưa được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Đối với Dự án Tuyến metro số 1, TP.HCM kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm cho ý kiến về việc sử dụng đồng Yên của Nhật Bản hay đồng Việt Nam trong thanh toán. “Tuyến metro số 1 đã đạt khối lượng thi công hơn 70%, hiện đang tăng tốc để về đích trong năm 2021. Nếu thanh toán bằng đồng Yên Nhật thì thuận lợi rất nhiều. Cuối năm, các nhà thầu thường phàn nàn việc chậm thanh toán. Mấy năm trước, năm nào UBND TP.HCM cũng buộc phải tạm ứng. Nếu tiền về thì sẽ hoàn trả tạm ứng và thanh toán cho nhà thầu trong năm nay”, ông Hoan nói.

Theo UBND TP.HCM, vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại của Dự án Tuyến metro số 1 hiện chưa có sự thống nhất. Cụ thể, TP.HCM kiến nghị Bộ KH&ĐT xem xét thống nhất giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương bằng đồng Yên Nhật và bố trí vốn năm 2020 cho Dự án hết phần ODA cấp phát chưa giải ngân là 17,806 tỷ Yên (tương đương 3.758 tỷ đồng) theo tỷ giá tạm tính 1 Yên = 211 VND.

Thống nhất trong hạch toán

Liên quan đến đồng tiền thanh toán cho Dự án Tuyến metro số 1 khiến Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh rất quan tâm và cho biết, UBND TP.HCM, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cần sớm có sự thống nhất để gỡ vướng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, Bộ KH&ĐT luôn nỗ lực để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA. Giai đoạn 2016 - 2020 có dự án nhưng không có kế hoạch vốn. Nhưng hiện nay, về cơ bản vấn đề này không còn, kế hoạch giao vốn rất sớm và chủ động. Thời gian qua, TP.HCM là địa phương rất chủ động trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay ODA vào các dự án rất hiệu quả. Bộ KH&ĐT đã trực tiếp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ TP.HCM sử dụng hiệu quả hơn vốn vay ODA.

Riêng về đồng tiền thanh toán cho Dự án Tuyến metro số 1, Bộ KH&ĐT về cơ bản đồng thuận với các báo cáo của TP.HCM. Tuy nhiên, do thực tế vốn ODA hạch toán nguồn tiền khác nhau dẫn tới biến động tỷ giá rất lớn từ thời điểm vay đến nay. Cụ thể, giá gốc của đồng Yên Nhật thời điểm vay là năm 2010 chỉ 121 đồng Việt Nam quy đổi được 1 đồng Yên Nhật. Nay tỷ giá quy đổi đã là 211 đồng Việt Nam/1 đồng Yên Nhật. Theo quy định vay lại, vay tiền nào, trả tiền đó, nhưng theo Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công thì hạch toán trên lãnh thổ Việt Nam đều bằng tiền đồng Việt Nam. Điều này dẫn tới số liệu khác nhau trong cách tính toán của từng cơ quan.

Cụ thể, Tuyến metro số 1, theo Hiệp định gốc có 104 tỷ Yên = 14.000 tỷ VND. Đến nay, qua các điều chỉnh của Hiệp định, giá trị đã lên tới 155 tỷ Yên. Trong khi đó, tính theo giải ngân thực tế bằng tiền Việt, đã trên 10.000 tỷ đồng. Nếu thanh toán bằng Yên Nhật, dẫn tới chênh 4.400 tỷ đồng Việt Nam. “Cần xem xét đảm bảo thanh quyết toán, đặc biệt thanh tra, kiểm toán để giải trình phù hợp. Làm thế nào để phân bổ nguồn vốn. Bộ KH&ĐT cam kết không thể để Dự án thiếu tiền. Do đó, cần thiết cùng bàn bạc để tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ thanh toán cho nhà thầu, tiến độ giải ngân. Bộ KH&ĐT đề xuất bóc tách theo từng giá trị giải ngân, sau đó sẽ điều chỉnh tỷ lệ vay lại sẽ thuận lợi hơn”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.

Tin cùng chuyên mục