Kết quả này vừa được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam công bố tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tháng 6/2020 mới đây.
Kịp thời gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp
Theo BHXH Việt Nam, để kịp thời hỗ trợ người dân và DN tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch bệnh COVID-19, trong thời gian qua cơ quan này đã chủ động, tích cực tham gia với các Bộ, ngành hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, kịp thời ban hành trên 25 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan kịp thời hỗ trợ người dân và DN tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Chẳng hạn như thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 4,5 trong cùng một kỳ chi trả cho người hưởng qua thẻ ATM, trực tiếp tại nhà; chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động (NLĐ) bị thất nghiệp do dịch bệnh gây ra...
BHXH các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám chữa bệnh (KCB) hoặc chuyển tuyến KCB BHYT khi nghi ngờ nhiễm virus Corona. Thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở KCB BHYT để đảm bảo hoạt động KCB BHYT, đặc biệt là các cơ sở KCB có người bệnh bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19. Các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch COVID-19 được cấp thuốc điều trị ngoại trú. Các đơn vị, DN được phép sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu để mua thuốc sát trùng và xà phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh việc xây dựng kịp thời các chính sách, pháp luật hỗ trợ người dân và DN trong giai đoạn khó khăn, toàn Ngành còn đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công quốc gia, cải cách TTHC nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN trong các giao dịch với cơ quan BHXH.
Trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội, BHXH đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân cung cấp mã số BHXH thực hiện khai báo y tế điện tử…
Theo ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2020, BHXH Việt Nam đã cung cấp 18/27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó số lượng dịch vụ công mức độ 4 là 12/27 TTHC. Cung cấp, phối hợp xác nhận thông tin 09 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đặc biệt, trong đó có 03 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp từ ngày 12/5/2020, để hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như: Hỗ trợ đơn vị, DN tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với NLĐ; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Kết quả, từ ngày 16/5/2020 đến ngày 31/5/2020, toàn Ngành đã tiếp nhận và giải quyết 291 hồ sơ Ncovi của các DN trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua giao dịch điện tử; duy trì việc tiếp nhận, trả kết quả TTHC trực tiếp tại bộ phận "Một cửa" cấp tỉnh, cấp huyện, qua dịch vụ bưu chính công ích, với tinh thần phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia và phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kết quả giải quyết TTHC trong toàn Ngành cho thấy, số hồ sơ đã giải quyết của cơ quan BHXH tính từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/5/2020 là 47.591.872 hồ sơ (đạt 97,45%).
Song song đó, hoạt động của Hệ thống Chăm sóc khách hàng của Ngành trong 6 tháng đầu năm 2020 cơ bản đã kịp thời hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thoả đáng cho người dân, tổ chức và DN về việc tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN. Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2020, Hệ thống đã tiếp nhận và trả lời khoảng 160.000 cuộc điện thoại của người dân, tổ chức và DN hỏi về 5 chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại 3 cổng của tổng đài 1900.9068. Riêng trong thời gian từ ngày 12/3/2020 đến 20/3/2020, Hệ thống đã nhận gần 22.000 cuộc gọi của người dân, tổ chức và DN. Bình quân mỗi ngày có hơn 2.400 cuộc gọi (tăng 150% so với ngày thường) liên quan đến dịch bệnh COVID-19 với các nội dung: Hưởng chế độ BHXH, BHYT đối với NLĐ phải nghỉ việc do cách ly y tế; việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; việc triển khai tin nhắn thông báo mã số BHXH đến người dân để kê khai hồ sơ y tế điện tử theo yêu cầu của Chính phủ…
Đại diện BHXH Việt Nam đánh giá, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của Ngành trong thời gian qua đã góp phần giúp ngành BHXH đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức giao dịch với cơ quan BHXH của người dân và tổ chức, từ hình thức giao dịch trực tiếp sang hình thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, trong giai đoạn chống dịch COVID-19, các mảng công tác này đã hỗ trợ rất hiệu quả cho người dân, DN khi làm thủ tục liên quan đến việc đề nghị và hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN, qua đó góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, giảm số người phải trực tiếp đến liên hệ, giao dịch tại cơ quan BHXH các cấp.
Chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ bảo hiểm
Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy hiện toàn ngành BHXH đã thực hiện chi trả cho hơn 3,2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng. Ước đến ngày 03/6/2020, toàn Ngành đã giải quyết cho khoảng 50.297 người hưởng mới các chế độ BHXH hàng tháng (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp). 353.616 người được hưởng mới các chế độ BHXH một lần, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp một lần, tuất một lần với số tiền chi trả là 13.154,7 tỷ đồng. 2.992.172 lượt người được hưởng chế độ ốm đau với số tiền chi trả là 1.413,3 tỷ đồng. 743.310 lượt người được hưởng chế độ thai sản với số tiền chi trả là 9.591,5 tỷ đồng. 162.132 lượt người được hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe với số tiền chi trả 417,8 tỷ đồng. 558.418 người được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trong đó hưởng mới là 298.833 người) với số tiền chi trả là 5.009 tỷ đồng.
Theo đại diện Ban Thu của BHXH Việt Nam, số đối tượng hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp có tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên đây không phải là biến động quá lớn nên không đáng lo ngại.
Và ước đến ngày 04/6/2020, số tiền chi KCB BHYT được các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống giám định BHYT là 38.005.146 triệu đồng (chưa bao gồm số chi của BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), với tỷ lệ sử dụng dự toán năm khoảng 38%.
Đáng chú ý, trước vụ việc trên mạng xã hội xuất hiện một số đối tượng mạo danh cơ quan BHXH nhằm thu gom mua sổ BHXH của người lao động để trục lợi trong đợt dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã chủ động đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý hành vi vi phạm này. Đồng thời kịp thời cung cấp thông tin báo chí cảnh báo về nội dung này để tăng cường tuyên truyền thông tin và răn đe tới các đối tượng có hành vi tổ chức mua bán sổ BHXH, đưa ra cảnh báo tới NLĐ không nên bán sổ BHXH để bảo vệ quyền lợi lâu dài cho NLĐ.