Việc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mất nhiều thời gian, thủ tục khiến nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm chậm tiến độ. Ảnh: Lê Tiên |
Một số chính sách làm chậm giải ngân
Theo nhiều địa phương, Luật Xây dựng và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định, ngoại trừ một số dự án chuyên ngành, dự án của bộ, cơ quan trung ương và dự án nhóm A ở địa phương, phải thẩm định tất cả các bước trong quy trình thực hiện dự án (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định điều chỉnh dự án, thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở…). Các quy định này dẫn tới khối lượng công việc chuyên môn của Bộ Xây dựng cần thực hiện lớn, trong khi nhân lực khó đáp ứng yêu cầu, gây ứ đọng hồ sơ, kéo dài phê duyệt dự toán, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Nhiều ý kiến phản ánh một số vướng mắc tại Luật Đầu tư công năm 2019 như quy định về thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyển tiếp nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài… Bên cạnh đó, quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án ODA tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục không cần thiết, đồng thời chưa tính đến những đặc thù cũng như phân loại dự án ODA. Việc thực hiện quy định về thủ tục cấp phép nhập cảnh cho các chuyên gia dự án ODA theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP gặp nhiều vướng mắc; các chuyên gia phải có xác nhận liên quan đến giấy phép lao động và tư cách chuyên gia. Một số dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vướng mắc về thủ tục điều chỉnh dự án do không được sử dụng vốn vay để thanh toán thuế theo quy định tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 khiến nhiều dự án đang triển khai bị ách tắc...
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông thường có nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường tại địa phương rất lớn. Khi triển khai nhiều dự án, nhu cầu vật liệu vượt quá nguồn cung của các mỏ vật liệu đã được cấp phép khai thác làm ảnh hưởng đến tiến độ, giá thành xây dựng; đặc biệt giai đoạn hiện nay Bộ GTVT đang triển khai nhiều dự án trọng điểm lớn. Theo quy định tại Luật Khoáng sản, việc cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mất nhiều thời gian, thủ tục (lập dự án đầu tư, cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khai thác, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đấu giá quyền khai thác, cấp phép khai thác...); chưa có quy định về việc cấp phép khai thác và quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu, nhà đầu tư để chủ động trong quá trình thực hiện dự án...
Nhiều quy định sẽ được sửa đổi
Để tháo gỡ những khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách cho đầu tư công, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), liên quan đến Luật Đầu tư công, Bộ đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ đưa vào sửa đổi ngay trong Dự luật sửa đổi, bổ sung 10 Luật nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật, bảo đảm sự thống nhất trong thực hiện, đơn giản thủ tục, thời gian thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cho biết, Thủ tướng đã giao các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục rà soát quy định pháp luật liên quan đến thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập. Cụ thể, khẩn trương, hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP. Các bộ, cơ quan được giao nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP theo hướng đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và các nội dung khác trong quá trình thực hiện đầu tư dự án cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điểm của các Nghị định số: 40/2020/NĐ-CP, 73/2019/NĐ-CP, 152/2020/NĐ-CP, 10/2021/NĐ-CP bảo đảm thống nhất, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong thực hiện dự án đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính về xây dựng, tài nguyên, đất đai, quản lý, cấp phép khai thác đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho các dự án đầu tư công. Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án theo quy định...