Dồn lực giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là rất lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, miền Trung và Tây Nguyên bắt đầu mùa mưa bão… Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiều địa phương đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, trong đó có việc chủ động điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều địa phương đang nỗ lực thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, trong đó có việc chủ động điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều khó khăn “đặc thù”

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, đến 30/9/2021 giải ngân vốn đầu tư công của Tỉnh ước khoảng 35,92% kế hoạch. UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, có nhiều vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021. Trong đó, nổi bật là việc tăng giá vật liệu xây dựng từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, dự kiến những tháng cuối năm, Kiên Giang sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, khả năng dự toán ngân sách hụt thu khoảng 1.189 tỷ đồng, dẫn đến hụt nguồn chi cho đầu tư. Do đó, khả năng trong tổng vốn kế hoạch năm 2021 nguồn ngân sách địa phương là 3.978,4 tỷ đồng, chỉ có thể giải ngân tối đa 3.218,4 tỷ đồng.

Không chỉ Kiên Giang, rất nhiều địa phương trên cả nước gặp phải những khó khăn mới phát sinh. 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch nhiều như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay. Ngoài ra, theo nhiều địa phương, tiến độ giải ngân 9 tháng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2020 còn do 2021 là năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới. Các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021 - 2025 tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vẫn có cơ quan, địa phương giải ngân tốt, vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện. Các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Mỗi bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ trực tiếp đưa ra các giải pháp hiệu quả nhất đối với từng dự án do bộ, địa phương thực hiện.

Gỡ vướng, dồn lực thi công trong giai đoạn nước rút

Dù nhiều khó khăn, UBND tỉnh Kiên Giang ước giải ngân kế hoạch năm 2021 (đến 31/1/2022) đạt 96,76% kế hoạch. Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, tùy theo tính chất dự án, xem xét tiếp tục thi công, nhưng phải bảo đảm tiến độ, đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Ví dụ như tách biệt khu vực công trường và khu vực nghỉ ngơi, khi làm việc luôn cố gắng giữ khoảng cách 2 m và không tụ tập đông người khi hết ca, chia ca làm việc theo nhiều khung giờ. Đồng thời, các nhà thầu phụ được yêu cầu cung cấp rõ lý lịch, hành trình di chuyển của công nhân trước khi vào làm việc tại công trường… Đối với các dự án có điều kiện, tiến độ thực hiện tốt, Tỉnh đề nghị các đơn vị mạnh dạn đề xuất bổ sung vốn để triển khai hoàn thành vượt tiến độ...

Nhiều địa phương đang tăng tốc, với nhiều biện pháp mạnh để thúc đẩy tiến độ, trong đó có việc chủ động điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn trong nội bộ địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, hàng tháng Tỉnh đều họp và kiên quyết điều chuyển vốn. Nhóm dự án giải ngân chậm chủ yếu là nhóm công trình văn hóa, Tỉnh đang cố gắng tháo gỡ vướng mắc, nếu không giải ngân được sẽ chuyển nguồn cho dự án trong ngành văn hóa, trương hợp vẫn không giải ngân được thì chuyển sang ngành khác.

Còn theo UBND tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 73%. Tỉnh đã điều chuyển vốn của một số dự án không thi công được do vướng giải phóng mặt bằng. Các dự án có vốn điều chuyển đến đều có tiến độ tốt, khối lượng hoàn thành, nghiệm thu, bảo đảm việc giải ngân.

Theo Bộ KH&ĐT, đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công… là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp thiết để bảo đảm thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần kích thích tổng cầu, tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động. Giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là cần tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh bình thường, trong đó có đầu tư công. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh ngay các vướng mắc về quy định pháp lý, giảm thủ tục hành chính quản lý và sử dụng vốn để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục