Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo quy luật, giải ngân đầu tư công thường tập trung nhiều vào các tháng cuối năm. Năm 2021, trong thời gian nước rút của giải ngân vốn đầu tư công, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến tổ chức thi công, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tranh thủ từng cơ hội, tạo ra sự bứt phá trong thời gian còn lại của năm.
Ảnh: Tiên Giang
Ảnh: Tiên Giang

Đến 10/8/2021, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 39,13% kế hoạch được giao chi tiết, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020, lãnh đạo tỉnh Nghệ An mới đây tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong Tỉnh phải quyết liệt, quyết tâm cao hơn nữa, phấn đấu giải ngân hết năm đạt 100%. Xác định giải ngân chậm là do nguyên nhân chủ quan, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đến ngày 10/8/2021 dưới mức bình quân của Tỉnh phải tổ chức kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm. Rà soát khả năng giải ngân đến 30/9/2021 và 31/1/2022. Trường hợp không có khả năng giải ngân, sớm đề xuất điều chuyển vốn ngay, tuyệt đối không có tư tưởng giữ vốn làm chậm tiến độ giải ngân chung của Tỉnh. Nghệ An cũng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND Tỉnh làm Tổ trưởng, trên cơ sở kiện toàn Tổ công tác số 1 về lĩnh vực đầu tư công được thành lập từ tháng 1/2021, để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công…

Giải ngân đến 5/8/2021 đạt 35,17% kế hoạch vốn được giao, trong tháng 8/2021, UBND tỉnh Gia Lai ra Chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho từng công trình, dự án; đồng thời tổ chức, giám sát, đánh giá hàng tuần với các đơn vị nhà thầu để đánh giá, đề ra giải pháp cụ thể, định kỳ báo cáo UBND Tỉnh hàng tuần. Yêu cầu thủ trưởng 9 đơn vị giải ngân đến ngày 17/8/2021 dưới 25% phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, không để tiếp tục tình trạng chậm giải ngân…

Theo Tổng cục Thống kê, nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch Covid-19, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công trong tháng 8. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8/2021 ước tính đạt 34,9 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 48% và tăng 28%). Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 41,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 203,3 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm và giảm 1,6%.

Cũng với mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn, Lãnh đạo TP. Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo đối với công tác giải ngân đầu tư công. Trong đó, Hà Nội đã thành lập các tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm do các Phó Chủ tịch UBND Thành phố là tổ trưởng. Các tổ công tác thường xuyên tổng hợp đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho gói thầu, dự án. Kết quả vốn đầu tư thực hiện 8 tháng của Hà Nội theo số liệu của Tổng cục Thống kê đạt 27.462 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao hơn trung bình cả nước, 8 tháng, Bộ Giao thông vận tải thực hiện đạt 20.876 tỷ đồng, bằng 52,8% kế hoạch năm và tăng 59,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng là bộ có số vốn kế hoạch rất lớn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trong tháng 8 vừa qua liên tiếp đốc thúc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh giải ngân, với nhiều giải pháp mạnh được đưa ra.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, địa phương nào ít bị dịch bệnh có thể tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, đồng thời bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các địa phương chịu ảnh hưởng nặng như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… có thể lựa chọn công việc làm được ngay, tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án theo quy định để bảo đảm triển khai sau khi hết giãn cách.

Có thể nói, trong bối cảnh này, sự vào cuộc, lăn xả, quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, thực hiện nghiêm, hiệu quả các giải pháp đã được Thủ tướng nêu rõ tại Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 là yếu tố quyết định để đạt được mục tiêu giải ngân năm 2021 trên 95%, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Tin cùng chuyên mục