Dồn lực giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 7 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) cả nước đạt thấp, bằng 36,7% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt gần 41% kế hoạch), trong khi đó, thời gian còn lại của năm kế hoạch 2021 không còn nhiều. Chia sẻ với báo chí cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương bày tỏ mong muốn các bộ ngành, địa phương dồn lực thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhiều dự án đầu tư công sẽ được khởi công, đấu thầu trong 1 - 2 tháng tới, tạo điều kiện để giải phóng lượng vốn hơn 70.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án đầu tư công sẽ được khởi công, đấu thầu trong 1 - 2 tháng tới, tạo điều kiện để giải phóng lượng vốn hơn 70.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Một năm với nhiều yếu tố tác động

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, ĐTC có vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 2020, với kết quả giải ngân rất ấn tượng, ĐTC đã góp phần lớn giúp Việt Nam trở thành một trong số không nhiều quốc gia tăng trưởng dương trên thế giới. Năm nay, ĐTC vẫn thể hiện vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh đại dịch đang ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, so với năm 2020, năm nay, có nhiều yếu tố mới tác động đến hoạt động ĐTC, khiến kết quả giải ngân 7 tháng 2021 mới đạt trên 36%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Bộ KH&ĐT thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những khó khăn cũng như kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn ĐTC và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Mới đây, Thủ tướng có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2021.

Với các giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ KH&ĐT hy vọng các bộ, ngành, địa phương ý thức được việc này, quyết liệt hơn nữa đối với các dự án đầu tư và giải ngân. Đặc biệt với mốc thời gian ngày 30/9/2021 để đánh giá toàn diện, toàn bộ tốc độ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu đặt ra là phải đạt tối thiểu đạt 60% kế hoạch đề ra.

Về tiến độ giải ngân, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, năm 2021 có những yếu tố mới so với năm 2020. ĐTC công là một trong những thành phần của hoạt động kinh tế, hoạt động này cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội để chống dịch. Người lao động tại các dự án ĐTC phải thực hiện quy định giãn cách của các địa phương. Hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, vật tư, máy móc, thiết bị… gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, việc triển khai dự án ĐTC bị ảnh hưởng mạnh, nhất là tại những địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Một nguyên nhân khác là năm nay, giá cả nguyên liệu đầu vào phục vụ cho thi công các công trình ĐTC tăng cao, dẫn đến ảnh hưởng tiến độ, đặc biệt là tâm lý của các nhà thầu. Thêm vào đó, các địa phương, nhất là địa phương có dịch phải ưu tiên nguồn lực con người cũng như vật chất để chống dịch nên đây cũng là nguyên nhân phần nào ảnh hưởng đến ĐTC.

Về thời điểm cũng có sự khác biệt: quý III/2021 là quý bị ảnh hưởng nhất, trong khi quý III/2020 lại là quý phục hồi sau quý II/2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy, khi so sánh thì các số liệu cũng như các kết quả có sự chênh lệch khá lớn.

Về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với tiến độ giải ngân vốn ĐTC, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, xu thế giải ngân vốn ĐTC dồn vào cuối năm đã tồn tại từ lâu, qua phân tích của các chuyên gia thì gần như đã thành quy luật. Tuy vậy, 2020 là năm rất đặc thù đối với công tác thực hiện và giải ngân ĐTC. Đây là năm cuối của kỳ kế hoạch trung hạn nên chủ đầu tư cũng như nhà thầu đều mong muốn kết thúc một kỳ kế hoạch thành công. Do đó, những tháng đầu năm 2020 có kết quả giải ngân khá cao so với những năm trước đó.

Ngược lại, 2021 là năm đầu của kỳ kế hoạch ĐTC mới nên công tác chuẩn bị được tập trung nhiều hơn. Vì thế, những tháng đầu năm 2021, chủ yếu thực hiện những dự án chuyển tiếp của kỳ kế hoạch cũ. Hầu hết dự án mới của giai đoạn 2021 - 2025 chưa thực hiện được vì phải chờ Quốc hội phê duyệt. Bộ KH&ĐT đã kịp thời trình Thủ tướng giao kế́ hoạch trung hạn theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, theo đó nhiề̀u dự án sẽ được đấu thầu, khởi công trong 1 - 2 tháng tới, tạo điều kiện để giải ngân lượng vố̂́n hơn 70.000 tỷ đồng.

Không lo thiếu vốn

Về những giải pháp gỡ khó giải ngân vốn ĐTC, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với chức năng là cơ quan tham mưu kinh tế vĩ mô, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ để tháo gỡ nút thắt thuộc vấn đề vĩ mô, chẳng hạn như khó khăn trong giải phóng mặt bằng với việc kiến nghị tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng… Tuy nhiên, để giải ngân vốn ĐTC có sự đột phá, phụ thuộc rất nhiều vào các bộ, ngành, địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Các bộ, ngành, địa phương tùy theo điều kiện cụ thể tập trung dồn lực thúc đẩy nhanh giải ngân vốn ĐTC. Những địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh có thể lựa chọn công trình, dự án phù hợp để triển khai thi công, không để chậm trễ.

Về vốn cho ĐTC, năm nay, cơ bản không lo thiếu vốn mà chủ yếu là ở công tác triển khai. Qua rà soát số liệu 7 tháng, các bộ có kế hoạch vốn ĐTC lớn: giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn… hay các địa phương có vốn đầu tư lớn thì phần giải ngân khá tích cực sẽ góp phần chung vào kết quả giải ngân vốn ĐTC cả nước năm nay. Một số nơi có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC thấp thì đều là những đơn vị có lượng vốn đầu tư ít, quy mô công trình nhỏ.

Tin cùng chuyên mục