Gỡ rào cản để phát triển điện khí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí (tự nhiên và LNG) đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Đây cũng coi là nguồn điện sạch, góp phần thúc đẩy chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh... Tuy nhiên, việc phát triển điện khí ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản cần sớm được tháo gỡ.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG. Ảnh minh họa: An Hạ
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG. Ảnh minh họa: An Hạ

Nhiều rào cản

Danh mục các dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư của ngành điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) có tất cả 13 dự án LNG, trong đó có 5 dự án đang triển khai; 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư; 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư. Trong số này, Dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 là dự án điện trọng điểm quốc gia chuyển tiếp từ Quy hoạch điện VII sang, công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Đây cũng là dự án LNG đầu tiên ở Việt Nam đang được triển khai đầu tư, dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm 2024 - 2025.

Tuy nhiên, theo ông Phan Tử Giang, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), có 3 điểm nghẽn lớn đang cản trở tiến độ các dự án điện khí này. Cụ thể, cơ chế bao tiêu sản lượng khí tự nhiên, và cơ chế chuyển giá của LNG vào giá điện gặp vướng mắc; việc quyết toán đền bù tiền thuê đất tại địa phương đang gặp khó khăn nên không có cơ sở để thuê đất; tiến độ các dự án truyền tải để giải tỏa công suất cho nhà máy gặp khó.

Tại Hội thảo Phát triển điện khí ở Việt Nam với chủ đề: “Cơ hội và Thách thức” tổ chức sáng ngày 24/1, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian để thực hiện đầu tư một dự án điện khí LNG phải tới 8 năm. Như vậy, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam xây dựng 13 nhà máy điện khí theo Quy hoạch điện VIII là rất thách thức.

Làm rõ hơn những thách thức, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế chỉ ra, Việt Nam chưa có cơ chế hay quy định cụ thể cho phát triển điện khí LNG, cũng như chưa có quy định hay tiêu chuẩn trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG. Tiếp đó, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được ban hành, thiếu cơ sở để triển khai Quy hoạch.

Theo ông Ánh, thách thức lớn nhất hiện nay của nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). “Việc cam kết tổng sản lượng mua điện hàng năm từ EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm chưa có, là điểm khiến nhà đầu tư lo ngại hiệu quả dự án”, ông Ánh nhận xét.

Chung nhận định này, ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thỏa thuận giữa các chủ thể trong chuỗi dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng; vấn đề ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện khí LNG vẫn đang chờ cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét.... Trong khi đó, các dự án điện khí thường có tổng vốn đầu tư lớn, những rào cản trên ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án điện khí ở Việt Nam.

Tháo gỡ thế nào?

Đề xuất giải pháp cho phát triển điện khí LNG, ông Thập cho rằng, Việt Nam cần thay đổi nhận thức và tư duy về nguồn điện này. Đó là điện khí LNG không phải chỉ có kho cảng LNG và nhà máy điện; giá điện và giá LNG cần phải neo theo giá dầu thô trong công thức giá...

Bên cạnh đó, cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII, với việc quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện đủ lớn; thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp hoặc nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và khu cảng LNG; tháo gỡ nút thắt liên quan đến cam kết quy huy động tổng sản lượng điện...

“Chúng tôi cũng, đề nghị sửa đổi một số luật liên quan như Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường và một số luật về thuế nhằm chấp nhận chuỗi kinh doanh điện khí LNG theo cơ chế thị trường; cho phép các chủ nhà máy điện khí LNG được quyền đàm phán giá điện trực tiếp với các hộ tiêu thụ điện và EVN là một trong số đó...”, ông Thập đề xuất.

Theo TS. Vũ Đình Ánh, để phát triển điện khí, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật..., làm cơ sở để đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. “Đặc biệt, cần phải có một khung giá điện riêng được xây dựng trên các yếu tố cấu thành giá điện LNG như chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG...”, ông Ánh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp cho rằng, cần có cơ chế thuế, phí để khuyến khích phát triển thị trường khí LNG tại Việt Nam. Chẳng hạn, nhiên liệu nhập khẩu cho sản xuất điện LNG cần đưa về mức thuế suất 0% - mức sàn Biểu khung thuế nhập khẩu thay vì mức 5% như hiện hành...