Gỗ Trường Thành bị “ông lớn” quay lưng?

(BĐT) - Đầu giờ chiều ngày 19/7/2016, trên một trang tin điện tử xuất hiện thông tin về việc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát có quyết định tạm dừng việc chuyển đổi khoản vay trị giá hơn 1.200 tỷ đồng tại Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã chứng khoán TTF). Cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành bắt đầu giảm sàn từ giây phút đó với lượng dư mua hàng triệu đơn vị mỗi phiên.
Cổ phiếu TTF giảm từ 43.600 đồng xuống còn 35.200 đồng/CP sau 3 phiên giảm sàn. Ảnh: Minh Thư st
Cổ phiếu TTF giảm từ 43.600 đồng xuống còn 35.200 đồng/CP sau 3 phiên giảm sàn. Ảnh: Minh Thư st

Đáng chú ý, thông tin nói trên chỉ là thông tin một chiều từ Tân Liên Phát, kèm với lý do “Tân Liên Phát đã phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin, số liệu thực tế so với thông tin đã được Gỗ Trường Thành công bố”. Không một con số cụ thể nào được đưa ra về mức độ sai lệch nghiêm trọng nói trên. Hệ quả của động thái này là, từ mức giá đóng cửa 43.600 đồng/CP ngày 18/7/2016, đến phiên 21/7/2016, TTF được giao dịch xung quanh mức giá 35.200 đồng/CP sau 3 phiên giảm sàn. 

“Lên voi xuống chó”

Gỗ Trường Thành từ lâu đã là một doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ gỗ với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, khủng hoảng kinh tế thế giới khiến đơn hàng xuất khẩu của Công ty bị sụt giảm, dự trữ hàng tồn kho lớn và sản phẩm mất giá, khiến dòng tiền thiếu hụt trầm trọng. Đó cũng là giai đoạn các khoản vay của Công ty phải chịu lãi suất ngân hàng ở mức cao.

Một quyết định tương đối khó khăn vào giai đoạn ấy đã được đưa ra: phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá (5.000 đồng/CP), thu về hơn 98 tỷ đồng, cải thiện phần nào dòng tiền của Công ty. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trên thị trường chứng khoán phát hành thêm cổ phiếu dưới mệnh giá. Làm được điều này, TTF đã có một khoản thặng dư vốn cổ phần hơn 272 tỷ đồng để bù lại mức thâm hụt do phát hành thêm mang lại.

Cổ phiếu TTF cũng như tình hình kinh doanh của Gỗ Trường Thành bắt đầu cất cánh kể từ năm 2014, khi các tổ chức tín dụng thống nhất xóa lãi vay cho Công ty theo hợp đồng mua bán nợ giữa Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các nhà băng. Làm được điều này, bên cạnh khả năng thuyết phục của lãnh đạo Gỗ Trường Thành, phải kể đến những lợi thế về kinh doanh mà doanh nghiệp này có được. Nói gì thì nói, không thể phủ nhận vị thế của Gỗ Trường Thành trên thị trường nội/ngoại thất gỗ.

TTF “phất” nhanh đến mức, cuối tháng 2/2016, ông lớn Vingroup chính thức quyết định trở thành cổ đông chiến lược của Công ty thông qua công ty con là Tân Liên Phát. Theo đó, Tân Liên Phát sẽ chuyển đổi khoản vay trị giá trên 1.200 tỷ đồng của Gỗ Trường Thành với Tân Liên Phát sang CP thông qua 2 đợt chuyển đổi, giá chuyển đổi lần lượt là 14.000 đồng/CP và 22.000 đồng/CP. Đến giữa tháng 5/2016, khi 2 khoản vay chưa được chuyển đổi, Tân Liên Phát đã nhanh chóng nắm giữ 49,9% CP Gỗ Trường Thành sau khi “nhờ” 12 cổ đông nhỏ lẻ gom hộ trước đó. Rõ ràng, hợp tác với một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu là một tin vui đối với  Trường Thành, khi cơ hội tiếp cận với các dự án được mở rộng.

Tuy nhiên, thương vụ hợp tác khi chưa hoàn tất, đã nhanh chóng gặp sự cố như nói trên!

Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Gỗ Trường Thành diễn ra ngày 20/7, nội dung bổ sung liên quan đến Tân Liên Phát được chú ý hơn cả. Ông Võ Trường Thành, từ lâu đã là hình ảnh của công ty này, đã chính thức không còn là người đại diện theo pháp luật của Gỗ Trường Thành, nhường ghế cho một đại diện từ Tân Liên Phát, đang là Tổng giám đốc của Công ty.

Mặc dù cổ đông Gỗ Trường Thành sẵn sàng mua cổ phiếu phát hành thêm để giúp Công ty có nguồn tất toán khoản nợ nghìn tỷ với Tân Liên Phát, ông Võ Trường Thành vẫn tiến hành đàm phán, thương lượng với Tân Liên Phát, việc phát hành thêm theo đề nghị của cổ đông chỉ là giải pháp cuối cùng.

Tin cùng chuyên mục