Việc huy động nguồn vốn tư nhân, nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho các dự án PPP đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Tường Lâm |
Dồn nguồn lực cho nhiều dự án PPP lớn
Theo nhiều ý kiến, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hiện là mô hình tiềm năng nhất để thu hút nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm và kỹ thuật từ khu vực tư nhân tham gia vào xây dựng hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư PPP, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật liên quan để những quy định mới khả thi và thuận lợi hơn trong triển khai có thể góp phần khơi thông dòng vốn tư nhân đầu tư vào hạ tầng.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đầu tư theo phương thức PPP hiện được coi là mô hình tiềm năng nhất để thu hút nguồn lực về tài chính, kinh nghiệm và kỹ thuật từ khối kinh tế tư nhân, tham gia đầu tư vào hạ tầng. Luật PPP được Quốc hội thông qua vào năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), tiếp theo đó là Nghị định số 28/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP đã thể chế hóa các định hướng và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là việc huy động nguồn lực tư nhân qua phương thức PPP.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến tháng 9/2023 có 10 dự án mới đã được phê duyệt và 14 dự án đang được triển khai các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật PPP. Trong đó, hầu hết là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương (tổng mức đầu tư khoảng 235 nghìn tỷ đồng). Các dự án mới triển khai theo quy định của Luật PPP dự kiến hình thành khoảng 700 km đường cao tốc, 2 cảng hàng không quốc tế tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, 1 công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, 2 nhà máy cung cấp nước sạch, góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội. Nguồn lực huy động cho đầu tư kết cấu hạ tầng thông qua các dự án PPP tiếp tục được đẩy mạnh; dự kiến huy động được 96.939 tỷ đồng vốn tư nhân và sử dụng 113.953 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Linh Giang, Chánh Văn phòng PPP thuộc Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT nhận định, Luật PPP qua gần 3 năm có hiệu lực đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt khi soi lại những bất cập trong các dự án trước đây. Thời gian trước, việc đầu tư BOT khá dàn trải, nhiều dự án chỉ vài chục tỷ đồng, trong khi quá trình chuẩn bị vẫn mất thời gian, nguồn lực bị phân tán. Khi xây dựng Luật PPP, quan điểm của Quốc hội, Chính phủ là tránh dàn trải, tập trung vào các dự án quy mô lớn và hiện tại đang tập trung vào các dự án giao thông quy mô rất lớn. Các dự án thực hiện theo Luật PPP được chuẩn bị đầu tư kỹ, rõ ràng về quy hoạch, xác định rõ nguồn vốn, bố trí sẵn sàng vốn nhà nước tham gia vào dự án. Việc công khai thông tin dự án PPP được thực hiện tốt hơn…
Rà soát, sửa đổi ngay quy định dưới Luật
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ KH&ĐT đánh giá, trong thời gian qua, việc triển khai các dự án PPP còn một số hạn chế như: các dự án vẫn chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông; số lượng nhà đầu tư quan tâm đến dự án còn mỏng; kết quả xử lý các tồn đọng trong giai đoạn trước còn hạn chế gây ảnh hưởng đến việc thu hút dự án mới; việc huy động nguồn vốn tư nhân, nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế cho các dự án PPP đang gặp rất nhiều khó khăn…
Từ thực tiễn tư vấn cho nhiều nhà đầu tư PPP, Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink nhận định, điểm nghẽn lớn là vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, mâu thuẫn giữa quy định của Luật PPP với các luật chuyên ngành khác, dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều quy định pháp lý về PPP khi áp dụng vào từng lĩnh vực cụ thể, có tính đặc thù như xử lý nước thải, chất thải rắn… còn gặp nhiều vướng mắc, cần có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý chuyên ngành đối với lĩnh vực đó.
Ông Vinh cho rằng, việc thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể thi hành Luật PPP và thiếu các mẫu hợp đồng dự án PPP là nguyên nhân khiến cho các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai dự án PPP. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại, chờ đợi cho đến khi có khung pháp lý chi tiết hơn và làm giảm sự hấp dẫn của các dự án PPP đối với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận định, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư PPP có thể góp phần khơi thông dòng vốn tư nhân vào hạ tầng. Trước hết, các bộ chuyên ngành cần đẩy nhanh việc ban hành văn bản ở cấp thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện dự án PPP ở từng lĩnh vực hạ tầng. Các tài liệu này cần hướng dẫn cụ thể việc soạn thảo các điều khoản của hợp đồng PPP, hồ sơ mời thầu, xây dựng tiêu chí chấm thầu và lựa chọn nhà đầu tư trong từng lĩnh vực.
Đồng thời, Luật PPP và hệ thống các văn bản pháp lý có liên quan cần được sửa đổi để khắc phục các vấn đề cản trở đầu tư tư nhân. Theo đó, cần sửa đổi và bổ sung các quy định có liên quan để thu hút vốn tư nhân vào các dự án hiện hữu đã được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, ví dụ hợp đồng O&M; mở rộng phạm vi chia sẻ rủi ro; xây dựng chính sách tài khóa hiệu quả cho các dự án PPP để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng về cam kết thực hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Tại cuộc họp mới đây về tình hình thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định chủ trương thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, huy động vốn xã hội để đầu tư những lĩnh vực mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp dịch vụ công là rất quan trọng và cần thiết. Luật PPP mới có hiệu lực gần 3 năm, cần thời gian tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, thận trọng để sơ kết, tổng kết, trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh theo quy định. Yêu cầu trước mắt là rà soát, sửa đổi ngay những quy định tại các văn bản dưới luật và khâu tổ chức thực hiện để khơi thông những vướng mắc, bất cập, thu hút được tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào những lĩnh vực Nhà nước kêu gọi đầu tư.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT báo cáo sự cần thiết, cơ sở pháp lý, thực tiễn để kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ xem xét đưa vào Chương trình công tác xây dựng 1 nghị định sửa nhiều nghị định để giải quyết các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến đầu tư PPP.