Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định vì khi giá cát biến động nhà thầu trở tay không kịp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có những ý kiến cụ thể cho việc xử lý các tình huống này.
Không điều chỉnh với những gói thầu xây lắp quy mô nhỏ
Theo văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT cho biết, thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng về ảnh hưởng của biến động giá cát xây dựng tới việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình san lấp, công trình hạ tầng kỹ thuật. Do đó, cần thiết phải có những giải pháp đồng bộ để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.
Trước đó, khi tình hình giá cát tăng phi mã, Bộ Xây dựng có đề xuất điều chỉnh giá hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định. Bộ KH&ĐT khẳng định, Điểm a Khoản 2 Điều 35 Luật Đấu thầu quy định giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Tại Khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản và có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Việc thanh toán đối với hợp đồng trọn gói được thực hiện nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Tổng số tiền mà nhà thầu được thanh toán cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng.
Đối với gói thầu xây lắp quy mô nhỏ (có giá không quá 20 tỷ đồng) phải áp dụng hợp đồng trọn gói và khi tham dự thầu, nhà thầu phải tính toán phân bổ vào giá dự thầu chi phí dự phòng (bao gồm cho trượt giá như biến động giá vật liệu xây dựng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng). Vì vậy, đối với hợp đồng trọn gói, trong quá trình thực hiện không được điều chỉnh giá hợp đồng.
Gắn trách nhiệm với trường hợp điều chỉnh hợp đồng
Đối với gói thầu xây lắp có giá trị lớn hơn 20 tỷ (gói thầu được phép áp dụng loại hợp đồng khác hợp đồng trọn gói theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 62 Luật Đấu thầu) thì theo Bộ KH&ĐT, người có thẩm quyền có thể xem xét và xử lý theo nhiều tình huống. Cụ thể, người có thẩm quyền nhận thấy loại hợp đồng (trọn gói, theo đơn giá cố định) trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt là phù hợp thì các bên thực hiện theo hợp đồng đã ký. Trường hợp việc biến động giá cát nằm ngoài khả năng lường trước của các bên, và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu, dự án thì người có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh loại hợp đồng từ hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định sang hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng đặc biệt lưu ý, việc điều chỉnh loại hợp đồng phải trên cơ sở đảm bảo các điều kiện sau: Không làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt; chỉ được tiến hành điều chỉnh đối với các hạng mục sử dụng cát trong thời gian biến động giá (áp dụng đối với hợp đồng mà do biến động giá cát làm tăng trên 9% giá hợp đồng và hợp đồng đã ký kết hoặc đã phê duyệt kết quả trúng thầu trước ngày 01/3/2017 theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng).
Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc điều chỉnh hợp đồng phải đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả kinh tế, tránh thất thoát vốn nhà nước. Người quyết định đầu tư tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Đồng thời, người quyết định đầu tư thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện dự án đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.
Để giá vật liệu xây dựng biến động lớn không ảnh hưởng nhiều tới dự án đầu tư, Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát lại nguồn thông tin hình thành cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên đối với một số khoáng sản như đá, cát, sỏi. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh khung giá tính thuế tài nguyên cho phù hợp với thực tế, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Đồng thời, theo Bộ KH&ĐT, cần sớm triển khai nghiên cứu và áp dụng rộng rãi vật liệu thay thế cát xây dựng tự nhiên trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn chung.