Gỡ vướng lựa chọn nhà đầu tư dự án chuyên ngành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những vướng mắc lớn khi chọn nhà đầu tư dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực mà nhiều địa phương phản ánh trong thời gian qua là việc thiếu phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) phù hợp từng ngành, lĩnh vực. Nghị định 23/2024/NĐ-CP được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc này, tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội vào nhiều lĩnh vực chuyên ngành.
Phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu tại Nghị định 23/2024/NĐ-CP giúp lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính, đủ trình độ chuyên môn, vừa có trách nhiệm xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu tại Nghị định 23/2024/NĐ-CP giúp lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính, đủ trình độ chuyên môn, vừa có trách nhiệm xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Theo nhiều địa phương, do nguồn lực nhà nước có hạn, địa phương rất mong muốn đẩy mạnh thu hút, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện các dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhưng thực tế việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa (XHH) tại địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, vướng mắc chính là chưa có tiêu chuẩn đánh giá HSDT phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành, XHH do nhiều bộ quản lý chuyên ngành chưa ban hành hướng dẫn cụ thể. Trường hợp áp dụng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư theo dự án đầu tư có sử dụng đất tại Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT vào những lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục… sẽ không phù hợp, rất khó xây dựng tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu.

Góp phần tháo gỡ vướng mắc này, Nghị định 23/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực đã có 1 chương quy định về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá HSDT (Chương V). Theo đó, Nghị định quy định chi tiết Điều 62 Luật Đấu thầu về phương pháp đánh giá lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước. Phương pháp này được sử dụng để đánh giá, xếp hạng HSDT theo thang điểm tổng hợp 100 hoặc 1.000, trên cơ sở kết hợp giữa 3 tiêu chuẩn: năng lực, kinh nghiệm; phương án đầu tư kinh doanh; hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương. Nghị định quy định các tiêu chuẩn đánh giá, gồm các tiêu chuẩn chi tiết; mỗi tiêu chuẩn chi tiết gồm những tiêu chí khác nhau. Về tỷ trọng, điểm năng lực, kinh nghiệm chiếm từ 20% đến 30% tổng số điểm; phương án đầu tư kinh doanh chiếm tỷ trọng từ 20% đến 50% tổng số điểm; hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương chiếm tỷ trọng từ 30% đến 50% tổng số điểm.

Nghị định 23/2024/NĐ-CP được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, góp phần giải quyết các vấn đề về phát triển ngành, địa phương. Ảnh: Mỹ Hà

Nghị định 23/2024/NĐ-CP được kỳ vọng tháo gỡ vướng mắc việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, góp phần giải quyết các vấn đề về phát triển ngành, địa phương. Ảnh: Mỹ Hà

Bên cạnh quy định tiêu chuẩn đánh giá thống nhất áp dụng chung cho các ngành, lĩnh vực, Nghị định cũng quy định một số tiêu chuẩn đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực cụ thể bảo đảm sự phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của dự án đầu tư kinh doanh.

Bộ KH&ĐT cho biết đã rà soát, quy định tối đa các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá HSDT tại Nghị định. Trong quá trình xây dựng Nghị định, các tiêu chuẩn chi tiết và tiêu chí cụ thể đã được Bộ KH&ĐT trao đổi, thống nhất với một số bộ quản lý ngành (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính), cơ bản bảo đảm bao quát các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng, nghị định này không thể quy định đầy đủ tiêu chuẩn đánh giá áp dụng cho từng dự án có tính đặc thù thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là ngành, lĩnh vực đến nay chưa phát sinh trong thực tế cũng như chưa được pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực quy định.

Vì thế, Nghị định có nội dung giao bộ trưởng các bộ quản lý ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế để bảo đảm không trái với quy định của Luật Đấu thầu 2023 và Nghị định 23. Đồng thời, tổ chức rà soát đánh giá việc áp dụng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư; hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực và việc triển khai hợp đồng dự án để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định biện pháp thi hành phù hợp với điều kiện đặc thù của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trong trường hợp cần thiết.

Theo một chuyên gia đấu thầu, phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá HSDT tại Nghị định giúp lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính, đủ trình độ chuyên môn, vừa có trách nhiệm xã hội để thực hiện dự án đầu tư hiệu quả và giải quyết các vấn đề về phát triển ngành, địa phương. Từ đó bảo đảm chi phí - lợi ích về cả 3 mặt kinh tế, xã hội, môi trường với những tiêu chí cụ thể. Đồng thời, việc giao trách nhiệm cho bộ trưởng các bộ quản lý ngành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí là cần thiết, bảo đảm Nghị định được thi hành hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý để các bộ quản lý ngành tự theo dõi, rà soát và có thể ban hành hướng dẫn theo thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Ngày 6/3/2024, Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BKHĐT quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Thông tư có 3 điều và 3 phụ lục gồm mẫu thông báo mời quan tâm, hồ sơ mời quan tâm; mẫu hồ sơ mời thầu một giai đoạn một túi hồ sơ; mẫu hồ sơ mời thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Những nội dung quy định tại Thông tư được xây dựng trên cơ sở trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực được quy định tại Nghị định số 23/2024/NĐ-CP, đồng thời kế thừa và hoàn thiện các quy định về lựa chọn nhà đầu tư đã được áp dụng ổn định, phát huy hiệu quả trên thực tế và vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định số 23/2024/NĐ-CP.

Tin cùng chuyên mục