![]() |
Đoạn mở rộng đường Lương Định Của thuộc Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú chưa thể triển khai. Ảnh: Lê Tiên |
10 gói thầu Vành đai 3 qua TP.HCM đều chậm
Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông TP.HCM, Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM có 10 gói thầu xây lắp chính, đều đang thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến, thi công nền đường đoạn xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm, trụ đất xi măng và hút chân không. Sản lượng thực hiện bình quân đạt khoảng 31,1% giá trị hợp đồng, tương đương 5.158/16.578 tỷ đồng. Đáng chú ý, cả 10 gói thầu đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Trong đó, gói thầu có tiến độ chậm nhất là XL8 với tỷ lệ chậm 21,7%. Gói thầu này có giá trị 1.265 tỷ đồng, nhà thầu mới thi công đạt 257 tỷ đồng. Tiếp đến là Gói thầu XL7 (1.260 tỷ đồng) mới đạt khối lượng thi công 356 tỷ đồng (28,3%), chậm 19,8%. Gói thầu XL10 chậm 19,5% do mới thi công đạt 242/1.454 tỷ đồng.
Gói thầu XL1 có tiến độ khả quan hơn cả nhưng cũng chậm khoảng 1,3%. Gói thầu này có giá trị 1.850 tỷ đồng, hiện nhà thầu đã thi công đạt 655 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Gói thầu XL2 giá trị 1.501 tỷ đồng có tỷ lệ chậm 1,5% (giá trị thi công đạt 462 tỷ đồng)…
Được biết, tổng nhu cầu cát đắp nền đường cho toàn Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM khoảng 8,5 triệu m3. Trong đó, riêng đoạn qua TP.HCM cần 6,6 triệu m3 cát đắp nền. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vật liệu này trong thời gian qua đối với các nhà thầu rất khó khăn. Để đảm bảo huy động đủ số cát, TP.HCM liên tục tìm kiếm các mỏ từ Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre. Ngoài ra, để chủ động nguồn cung, TP.HCM đã yêu cầu các nhà thầu thi công huy động thêm nguồn cát từ các mỏ thương mại trong nước và nguồn nhập khẩu từ Campuchia. “Đến nay các tỉnh đã cấp phép được 12/13 mỏ cho Dự án. Trong đó, 6 mỏ đang khai thác với tổng khối lượng có thể huy động khoảng 1 triệu m3. 6 mỏ còn lại dự kiến đi vào khai thác sau tháng 4/2025, đạt tổng khối lượng 4 triệu m3. Tuy nhiên, tiến độ hoàn thành thủ tục cấp phép còn chậm, công suất khai thác và khối lượng chưa đáp ứng theo yêu cầu tiến độ của Dự án cũng như chỉ đạo của Chính phủ”, đại diện Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP.HCM chia sẻ.
Cũng theo chủ đầu tư này, với khối lượng cát còn thiếu, Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu phải huy động bổ sung từ nguồn cát thương mại trong nước (hiện rất khan hiếm do hầu hết các mỏ đang tập trung huy động tối đa để cung ứng cho các dự án giao thông trọng điểm khác cũng có tiến độ hoàn thành trong năm 2025) và nguồn cát từ Campuchia.
Lỡ nhịp tiến độ vì thiếu mặt bằng
Nguồn vật liệu đã vậy, hàng loạt nhà thầu còn “mắc kẹt” do thiếu mặt bằng, không cách nào đẩy nhanh tiến độ như cam kết. Đơn cử, tại Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1. Đây là dự án BT có giá trị hợp đồng 2.765,504 tỷ đồng, hiện đã lập hồ sơ ban hành quyết định chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 452/468 hồ sơ, đạt 96,58%. Trong đó, 411 trường hợp đã bàn giao mặt bằng, đạt 90% diện tích, phần còn lại vẫn chưa được bàn giao. Dù khối lượng hoàn thành tại Dự án đã đạt 43,8% giá trị hợp đồng, nhưng các nhà thầu không thể tiếp tục thi công do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm.
Cũng do ách tắc mặt bằng, nhiều gói thầu tại Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú có tỷ lệ hoàn thành thấp. Dự án có tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng, gồm 18 gói thầu. Trong đó, các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật (có vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu xây lắp chính) đều chưa hoàn thành như: Gói thầu XL1 Di dời đường ống cấp nước (mới hoàn thành 62%); Gói thầu XL2 Di dời hệ thống viễn thông (mới đạt 20%); Gói thầu XL13 Xây dựng nhánh cầu vượt N1.2 (12%); Gói thầu XL12 Xây dựng nhánh cầu vượt N1.1 và N1.3 (15%)… Dù Dự án phải hoàn thành vào 31/12/2025 nhưng hiện tại, đoạn mở rộng đường Lương Định Của, đoạn Mai Chí Thọ đến đường Nguyễn Hoàng (phía phải tuyến) chưa thể triển khai do chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng phần 22.012 m2 thuộc Khu đô thị phát triển An Phú.