Gói thầu bảo hiểm ở Công ty CP Kinh doanh than Miền Bắc: Ai sẽ được “chọn mặt gửi vàng”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Bảo hiểm hàng hóa (than) vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam năm 2024 của Công ty CP Kinh doanh than Miền Bắc có giá 24,59 tỷ đồng đang trong thời gian mời thầu. Một nhà thầu có văn bản đề nghị Bên mời thầu làm rõ hồ sơ mời thầu (HSMT) vì cho rằng có nhiều tiêu chí không hợp lý, có dấu hiệu hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Song Bên mời thầu kiên quyết bảo lưu các tiêu chí đã đưa ra.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhà thầu “tố” tiêu chí hạn chế cạnh tranh

Tại văn bản gửi Bên mời thầu, một nhà thầu cho rằng, HSMT đưa ra nhiều tiêu chí chưa phù hợp, cần được điều chỉnh để tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu.

Cụ thể, Tiêu chí 4 về chỉ tiêu thay đổi kinh doanh thu phí bảo hiểm thuần trung bình trong 4 năm (2020, 2021, 2022 và 2023) thuộc Bảng đánh giá theo phương pháp chấm điểm tại Chương III nêu rõ, thay đổi doanh thu phí bảo hiểm thuần trung bình 4 năm của nhà thầu nếu dưới 5% thì không đạt điểm; nếu từ ≥ 5% đến dưới 10% đạt 3 điểm; từ ≥ 10% đến dưới 20% đạt 6 điểm; ≥ 20% đạt 9 điểm. Trong khi đó, theo Thông tư số 195/2014/NĐ-CP (TT195) hướng dẫn đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm, thì tiêu chí này không đánh giá được năng lực tài chính và khả năng chi trả nếu xảy ra tổn thất.

Nhà thầu cho rằng, cần điều chỉnh theo hướng giảm tỷ trọng điểm của tiêu chí này hoặc đưa ra mức tăng trưởng theo số tiền cụ thể; nếu đưa ra tỷ lệ phần trăm tăng trưởng thì bổ sung thêm mức số tiền cụ thể và quy định đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí đó.

Với Tiêu chí 6 về tỷ lệ biên khả năng thanh toán trung bình trong 4 năm gần nhất của nhà thầu, HSMT nêu rõ, tỷ lệ biên khả năng thanh toán trung bình thời gian này được điểm tối đa khi có tỷ lệ ≥2. Nhà thầu cho rằng, theo TT195 thì tỷ lệ biên khả năng thanh toán ≥ 1 đã đạt tiêu chí phân loại vào nhóm 1 đủ khả năng thanh toán.

Ngoài ra, theo nhà thầu, Tiêu chí 7 yêu cầu: “Có kinh nghiệm giải quyết một vụ tổn thất rủi ro thiếu hụt trọng lượng hàng hóa (là hàng rời) được xác định theo phương pháp đo mớn nước từ năm 2020 đến thời điểm đóng thầu; đối với nhà thầu liên danh, chỉ xét với thành viên đứng đầu liên danh” là không cần thiết. Nhà thầu lý giải, trong hoạt động bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, quy trình và cách thức giải quyết bồi thường là như nhau đối với tất cả các loại hàng hóa. Tổn thất thiếu hàng được xác định theo phương pháp đo mớn nước chỉ là một trong các rủi ro đối với hàng rời và không phải là rủi ro chính cần quan tâm như phương tiện vận chuyển bị chìm đắm khiến hàng hóa bị tổn thất toàn bộ, hàng hóa bị nhiễm bẩn…

Bên mời thầu bảo lưu tiêu chí

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Bên mời thầu khẳng định: “Các tiêu chí trong HSMT không hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Tất cả tiêu chí đưa ra đều được thực hiện theo hướng dẫn của các quy định pháp luật liên quan, đây là những tiêu chí thông dụng vẫn hay được sử dụng, phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu để đánh giá năng lực nhà thầu. Chúng tôi không đưa ra những tiêu chí gì “kỳ lạ” gây hạn chế sự tham gia của nhà thầu như phản ánh”.

Giải đáp thắc mắc của nhà thầu đối với tiêu chí 4 và 6, Bên mời thầu nhấn mạnh, họ xây dựng tiêu chuẩn đánh giá theo phương pháp chấm điểm, khoảng cách giữa các mức điểm của tiêu chí tuân thủ quy định tại TT195. Do đó, các nhà thầu đủ năng lực hoạt động đều có thể đáp ứng mức điểm tối thiểu tại tiêu chí này.

Về đề nghị bỏ Tiêu chí 7 của nhà thầu, Bên mời thầu cho rằng, đề nghị này không hợp lý. Theo Bên mời thầu, trong Chương V, họ yêu cầu mở rộng bảo hiểm đối với rủi ro thiếu hụt trọng lượng so với vận đơn. Hàng hóa vận chuyển có đặc tính riêng, có rủi ro thiếu hụt trọng lượng được xác định khi tàu đã đến cảng dỡ và dỡ được hàng. Vì vậy, nếu nhà thầu không có kinh nghiệm giải quyết các vụ bồi thường về rủi ro thiếu hụt trọng lượng sẽ dẫn đến sự chậm trễ, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận hàng hóa của doanh nghiệp, gây khó khăn đối với quá trình sản xuất, kinh doanh, thậm chí ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của các nhà máy nhiệt điện…

Chia sẻ góc nhìn về các tiêu chí 4 và 6 được nhà thầu phản ánh, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, đây là các tiêu chí thiên về năng lực kinh nghiệm (tài chính) đã được pháp luật về đấu thầu hướng dẫn rõ, nhưng lại được đưa vào để đánh giá về mặt kỹ thuật là không phù hợp.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm thì cho rằng, các tiêu chí nêu trên đang định hướng tới một hoặc một số nhà thầu. Lý do là trên thị trường, số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ biên khả năng thanh toán ở mức ≥ 2 trong vòng 4 năm; doanh thu phí bảo hiểm thuần trong 4 năm từ ≥20% như yêu cầu tại HSMT chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Gói thầu Bảo hiểm hàng hóa (than) vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam năm 2024 do Công ty CP Kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn chi phí sản xuất kinh doanh của Công ty năm 2024, 2025. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ. Thời gian mời thầu từ ngày 30/3/2024 đến ngày 17/4/2024.

Tin cùng chuyên mục