Bên mời thầu: Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Tại Phần A Năng lực nhà thầu Mục 3 Chương III của HSMT, quy định: “Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cho từng năm trong 3 năm (2020, 2021, 2022) > 0. (Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm = Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm - Chi phí quản lý doanh nghiệp). Trường hợp liên danh, các thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu này”.
HSMT quy định chấm điểm tiêu chí này như sau: “Dưới 0 tỷ: Đạt 0 điểm; từ 0 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng: đạt 3 điểm; trên 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng: đạt 4 điểm; trên 10 tỷ đồng: đạt 5 điểm (điểm tối thiểu cần đạt: 3 điểm)”.
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Qua rà soát các văn bản pháp luật và các chuẩn mực kế toán hiện hành được pháp luật công nhận liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhà thầu nhận thấy:
Thứ nhất, trong bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ quy định tại Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BTC của Bộ Tài chính ngày 07/10/2021 của 02 Thông tư số 195/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 và Thông tư số 89/2020/TT-BTC ngày 11/11/2020 cũng không có quy định sử dụng chỉ tiêu “Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm” để đánh giá xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm, đồng nghĩa với đó là không có hướng dẫn về cách tính toán chỉ tiêu này.
Hiện tại HSMT đang ghi là cách tính theo Thông tư số 195/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 về hướng dẫn đánh giá xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng chúng tôi khẳng định Thông tư số 195/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 cũng như Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BTC của Bộ Tài chính ngày 07/10/2021 của 02 Thông tư số 195/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 và Thông tư số 89/2020/TT-BTC ngày 11/11/2020 đều không quy định cách tính chỉ tiêu “Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm” như HSMT đang nêu.
Thứ hai,căn cứ Điều 63 Luật Kinh doanh bảo hiểm, nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: a) Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm; b) Quản lý các quỹ và đầu tư vốn từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm; c) Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; d) Hoạt động khác liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Như vậy, lợi nhuận hay kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm phải là lợi nhuận của tất cả các hoạt động nêu trên theo quy định pháp luật. Ngoài ra, ngay tại Điều 52 Nghị định 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định rõ: “Lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí”. Do đó,tổng doanh thu và tổng chi phí được pháp luật quy định phải bao hàm tổng doanh thu và tổng chi phí đến từ tất cả các hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) chứ không hề quy định cách tính “Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm” như HSMT đang quy định.
Thứ ba, trong biểu mẫu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo Thông tư 232/2012/TT-BTC ngày 28/12/2012 của Bộ Tài chính thì nội dung Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng không hề có trình bày chỉ tiêu “Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm” như quy định trong HSMT nêu trên. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 232/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn các DNBH lập báo cáo tài chính, tại mẫu Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo hoạt động cũng chỉ quy định và đánh giá các chỉ tiêu lợi nhuận sau đây: Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm - Mã số 19; Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư bất động sản - Mã số 22; Lợi nhuận hoạt động tài chính - Mã số 25; Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh - Mã số 30; Lợi nhuận khác hay thu nhập từ hoạt động khác - Mã số 40; Lợi nhuận kế toán trước thuế - Mã số 50; Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp - Mã số 60. Ngoài ra, bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài chính và thực tế khi Bộ Tài chính nghiên cứu ban hành Thông tư 232/2012/TT-BTC ngày 28/12/2012 để thay thế cho Quyết định 1296/TC/QĐ/CĐKT ngày 31/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quyết định số 150/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 cũng đã thống nhất bỏ chỉ tiêu “Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm” ra khỏi mẫu báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và việc thay đổi loại bỏ chỉ tiêu này đã qua rà soát, đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính hàng đầu Việt Nam của Bộ Tài chính trước khi ban hành Thông tư 232/2012/TT-BTC ngày 28/12/2012. Như vậy, hiện nay việc tính toán tiêu chí “Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm” và sử dụng tiêu chí này để đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm là không có căn cứ hướng dẫn của quy định pháp luật và của Bộ Tài chính. Do vậy, việc chỉ xét tiêu chí “lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm” như yêu cầu của HSMT, theo đánh giá của nhà thầu là không phù hợp và không phản ánh đúng bản chất hoạt động hiệu quả của một doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ tư, việc lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm < 0 thể hiện doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả nhiều tiền bồi thường và quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp bảo hiểm đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình, là “tấm lá chắn” vững chắc cho nền kinh tế - xã hội. Đối với tiêu chí này, một số doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu Việt Nam và giải quyết bồi thường tổn thất rất tốt hiện nay như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Bưu Điện (PTI)… đều không đáp ứng.
Nhà thầu kiến nghị: Loại bỏ tiêu chí “Lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm” của HSMT để tạo sự cạnh tranh, lựa chọn được nhà bảo hiểm tốt nhất, với chi phí thấp nhất nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 11/3/2024, Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem đã có văn bản trả lời đối với tiêu chí “Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cho từng năm trong 03 năm (2020, 2021, 2022) > 0” tại Mục 3 Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật Chương III của HSMT như sau:
Căn cứ theo quy định tại Quyết định số 150/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 và Thông tư số 232/2012/TT-BTC: “Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm = Lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm - Chi phí quản lý doanh nghiệp”. Theo đó, việc quy định lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm lựa chọn được nhà thầu có tình hình tài chính kinh doanh bảo hiểm lành mạnh, đáp ứng khả năng giải quyết khiếu nại trong trường hợp phát sinh tổn thất mà không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, cung ứng phân bón của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, qua rà soát thực tế cho thấy một số gói thầu bảo hiểm vẫn lấy chỉ tiêu này để đánh giá tín nhiệm, uy tín và hoạt động của các đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ. Tiêu chí này hoàn toàn phù hợp và phổ biến, tương tự các gói thầu bảo hiểm tài sản khác trong các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất, kinh doanh phân bón đã và đang mời thầu. Yêu cầu đối với nhà thầu độc lập và các thành viên liên danh chỉ cần đạt điểm tối thiểu. Với yêu cầu nêu trên trong HSMT của gói thầu này, có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trung bình và lớn trong nước hiện tại đều có đủ năng lực tham dự với vai trò độc lập hoặc thành viên liên danh.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 21/3/2024, Chủ đầu tư ban hành Văn bản số 589/QĐ-DAP2 về việc sửa đổi nội dung HSMT Gói thầu. Theo đó, Bên mời thầu sửa đổi tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật. Cụ thể, bỏ yêu cầu "Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm" và thay bằng: "Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh" cho từng năm trong 3 năm (2020, 2021, 2022) > 0.
HSMT sửa đổi đã được đăng tải và gia hạn thời điểm đóng thầu lần 2 đến 14 giờ 00 ngày 27/3/2024 trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định.
Nhà thầu trúng thầu: Liên danh Tổng công ty Bảo hiểm PVI - Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex - Tổng công ty cổ phần Bảo Minh - Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (gọi tắt Liên danh PVI - PJICO - Bảo Minh - BIC).