Bên mời thầu: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - Công ty TNHH
Chủ đầu tư: Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - Công ty TNHH
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Tại Mục 3 Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật thuộc Chương III, HSMT yêu cầu:
Năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu:
Chỉ tiêu tỷ lệ kết hợp bình quân 3 năm 2021, 2022, 2023, căn cứ theo Mục I.3, Phụ lục I Thông tư số 195/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Tài chính (đối với nhà thầu liên danh, thành viên đứng đầu liên danh đáp ứng): < 100% Đạt; ≥ 100% Không đạt.
Quỹ dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2023 ≥ 1.500 tỷ đồng: Đạt; < 1.500 tỷ đồng: Không đạt.
Đối với nhà thầu liên danh: Tổng các thành viên liên danh đáp ứng, thành viên đứng đầu liên danh đáp ứng tối thiểu 70%.
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Về yêu cầu “nhà thầu có chỉ tiêu tỷ lệ kết hợp bình quân 3 năm 2021, 2022, 2023 < 100%”, Nhà thầu cho biết, nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm theo Điều 63Luật Kinh doanh bảo hiểm bao gồm: a) Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm; b) Quản lý các quỹ và đầu tư vốn từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm; c) Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; d) Hoạt động khác liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Như vậy, việc đánh giá mức độ LÃI/LỖ chỉ riêng hoạt động kinh doanh bảo hiểm như yêu cầu của HSMT, theo Nhà thầu là không phù hợp và không phản ánh đúng bản chất hoạt động hiệu quả của một doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài ra, ở một góc độ nào đó, việc chỉ tiêu nằm ngoài biên độ thể hiện doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả nhiều tiền bồi thường và gia tăng quyền lợi bảo hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp bảo hiểm đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình, là “tấm lá chắn” vững chắc cho nền kinh tế - xã hội.
Liên quan đến tiêu chí quỹ dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm, Nhà thầu cho biết, theo điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, dự phòng bồi thường được sử dụng để bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết.
Theo Nhà thầu, HSMT yêu cầu “quỹ dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2023 ≥ 1.500 tỷ đồng” thì rất ít công ty bảo hiểm có khả năng đáp ứng. Các nhà thầu sẽ chào giá trên cơ sở tính toán rủi ro cao nhất là bồi thường hết giá Gói thầu (20,271 tỷ đồng). HSMT yêu cầu quỹ dự phòng bồi thường bảo hiểm 1.500 tỷ đồng là gấp 75 lần quy mô Gói thầu, dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.
Nhà thầu đề xuất điều chỉnh quỹ dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2023 từ 100% - 120% giá Gói thầu (tức khoảng từ 20 tỷ đến 24 tỷ đồng) để có nhiều nhà thầu có khả năng tham gia, đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Phúc đáp kiến nghị, Bên mời thầu cho biết, chỉ tiêu tỷ lệ kết hợp được quy định tại Mục 3 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 195/2014/TT-BTC hướng dẫn xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là nhằm đánh giá mức độ lãi/lỗ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp và là chỉ tiêu bắt buộc được Bộ Tài chính quy định để đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Nhằm đảm bảo lựa chọn được nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm cũng như khả năng thanh toán, dự phòng nghiệp vụ và hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm để thực hiện Gói thầu, HSMT đưa tiêu chí này là hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, HSMT quy định đối với nhà thầu liên danh, thành viên đứng đầu liên danh đáp ứng. Như vậy, đây không phải là tiêu chí nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
Về tiêu chí quỹ dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm, Bên mời thầu cho biết, khoản 1 Điều 38 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải trích lập dự phòng nghiệp vụ theo từng nghiệp vụ bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm tương ứng với phần trách nhiệm đã cam kết theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và phải được chuyên gia tính toán của doanh nghiệp, chi nhánh xác nhận”; và điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định: “Dự phòng bồi thường: Được sử dụng để bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết".
Theo yêu cầu của HSMT, đối tượng bảo hiểm của Gói thầu là 3.622 người với hạn mức trách nhiệm bảo hiểm theo mức tối đa là 600 triệu đồng/người. Trong trường hợp tổn thất xảy ra, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả khoản mức bồi thường tối đa tương đương với giá trị là 3.622 x 600 triệu = 2.173 tỷ đồng.
Khi xây dựng tiêu chí này, Tổ chuyên gia tính toán giá trị yêu cầu của tiêu chí Quỹ dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm được xác định trên tỷ lệ khoảng 70% của giá trị chi trả bồi thường tối đa nêu trên, tương ứng với giá trị là 1.521 tỷ đồng (làm tròn là 1.500 tỷ đồng).
Quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm được dùng để chi trả các khoản bồi thường cho người được bảo hiểm khi có tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm xảy ra, việc doanh nghiệp bảo hiểm có quỹ dự phòng bồi thường bảo hiểm lớn thể hiện doanh nghiệp có đủ nguồn lực để thực hiện việc thanh toán, giải quyết bồi thường trong trường hợp xảy ra tổn thất mà không làm ảnh hưởng đến tiến độ Gói thầu.
Ngoài ra, HSMT quy định đối với nhà thầu liên danh, tổng các thành viên liên danh đáp ứng. Như vậy, việc đưa ra tiêu chí này không phải là điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Các nội dung đã phát hành của HSMT không thay đổi.