Gói thầu EPC tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao: Nhà thầu kiến nghị rút lui, liên danh 3 thành viên trúng thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thiết kế thi công, tổng dự toán, cung cấp trang thiết bị, phần mềm và triển khai lắp đặt hệ thống (gói thầu EPC) thuộc Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm cấp phát hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao. Gói thầu này từng bị nhà thầu liên tiếp kiến nghị về bất cập của một số tiêu chí tại hồ sơ mời thầu (HSMT).
Gói thầu EPC là gói thầu chính của Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm cấp phát hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao. Ảnh minh họa: Uyên Trang
Gói thầu EPC là gói thầu chính của Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm cấp phát hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao. Ảnh minh họa: Uyên Trang

Theo kết quả lựa chọn nhà thầu, Liên danh Công ty CP Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Phương Đông - Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT - Công ty CP Technology MT9 (Phương Đông - FPT - MT9) trúng thầu với giá 251,79 tỷ đồng (giảm 1,033 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,4%); thời gian thực hiện hợp đồng 605 ngày, loại hợp đồng trọn gói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc Cục Lãnh sự cho biết, Chủ đầu tư và Liên danh trúng thầu đang trong quá trình thương thảo và dự kiến sẽ ký hợp đồng trong tháng 9/2022. Công ty CP Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Phương Đông là thành viên đứng đầu Liên danh.

Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và phần mềm cấp phát hộ chiếu điện tử trong các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao có tổng dự toán 276,221 tỷ đồng, là Dự án thành phần số 3 thuộc Đề án Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam, do Cục Lãnh sự làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, sử dụng nguồn vốn thu lệ phí xuất nhập cảnh của Bộ Ngoại giao phải nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2014 và ngân sách nhà nước. Dự án có 8 gói thầu, trong đó Gói thầu EPC là gói thầu chính, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2024.

Giải thích về việc Gói thầu triển khai trong 2 năm nhưng áp dụng loại hợp đồng trọn gói, vị cán bộ trên cho biết, do không đủ nhân sự triển khai riêng thành từng phần công việc nên Cục Lãnh sự đã gộp chung tất cả công việc trong Gói thầu EPC. Việc áp dụng loại hợp đồng trọn gói để bảo đảm quá trình triển khai thực hiện không làm vượt tổng mức đầu tư của Dự án, phù hợp với nguồn vốn mà Bộ Ngoại giao đã được phê duyệt phân bổ.

Trong 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), Công ty CP Ứng dụng khoa học công nghệ - MITEC bị loại vì không đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm (HSMT yêu cầu nhà thầu phải có 2 hợp đồng tương tự nhưng nhà thầu không đáp ứng); Liên danh Công ty CP Phát triển công nghệ viễn thông sinh học Sun Việt - Công ty TNHH A&T có giá dự thầu cao nên xếp hạng thứ 2 (giá dự thầu là 256,652 tỷ đồng, cao hơn giá gói thầu tới 3,829 tỷ đồng).

Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu thuộc Công ty CP Phát triển công nghệ viễn thông sinh học Sun Việt cho biết, Nhà thầu không có ý kiến gì về giá chào thầu vượt giá gói thầu gần 4 tỷ đồng cũng như kết quả đánh giá HSDT Gói thầu EPC.

Như Báo Đấu thầu đã thông tin, trong quá trình phát hành HSMT, Công ty CP Đầu tư Tân Khánh đã 4 lần có văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng bày tỏ sự không đồng tình với một số tiêu chí của HSMT. Sau 3 lần gia hạn thời điểm đóng thầu để làm rõ và chỉnh sửa HSMT, Nhà thầu kiến nghị vẫn không “tâm phục, khẩu phục” với các nội dung sửa đổi và sau đó không nộp HSDT.

Ông Nguyễn Minh Tiến, cán bộ phụ trách công tác đấu thầu thuộc Cục Lãnh sự cho biết, Cục đã thuê đơn vị tư vấn lập HSMT và đánh giá HSDT. Do không có đủ nhân sự thực hiện nên Cục chỉ đảm nhận vai trò của Chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Theo quan điểm của Chủ đầu tư, đây là gói thầu công nghệ cao nên phải yêu cầu cao về tiêu chuẩn công nghệ. Ông Tiến cho biết thêm, sau khi không nộp HSDT, Nhà thầu kiến nghị đã dừng kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục