Gói thầu gần 700 tỷ đồng tại Cao Bằng: Nhà thầu tiếp tục “tố”

(BĐT) - Ấm ức vì bị Bên mời thầu loại một cách không thỏa đáng, mới đây, các nhà thầu lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị lần 2 tới Lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng và các cơ quan chức năng đề nghị chỉ đạo đánh giá lại hồ sơ dự thầu (HSDT) gói thầu giao thông gần 700 tỷ đồng “lùm xùm” suốt thời gian qua.
Một số nhà thầu đang tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và các cơ quan chức năng. Ảnh: Gia Khoa
Một số nhà thầu đang tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và các cơ quan chức năng. Ảnh: Gia Khoa

Bên mời thầu đổ lỗi cho Cục Thuế Hà Nội

Mặc dù kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 12 Xây lắp công trình giai đoạn 1 thuộc Dự án Đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (huyện Phục Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) - xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh), tỉnh Cao Bằng đã được Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA) các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng công bố nhưng các nhà thầu bị loại vẫn không “tâm phục khẩu phục”.

Và theo kết quả lựa chọn của Bên mời thầu, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh đã được phê duyệt là nhà thầu trúng thầu với giá trúng thầu 672.117 triệu đồng (giá gói thầu 672.975 triệu đồng, chênh lệch giảm 858 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm rất thấp, chỉ 0,1%). Các nhà thầu cho biết, lý do họ tiếp tục kiến nghị tới Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng và một số cơ quan ban ngành có chức năng là do nhà thầu không nhận được câu trả lời thỏa đáng và thuyết phục của Bên mời thầu về việc mình bị loại.

Đại diện Liên danh Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường - Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 cho biết, đến ngày 24/1/2018, nhà thầu này mới chính thức nhận được văn bản qua đường bưu điện của Bên mời thầu thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu nêu trên, mặc dù văn bản thông báo này đề ngày 3/1/2018.

Chiều ngày 26/1/2018, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nông Văn Hải, Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng cho biết, hiện tại, Ban vẫn chưa nhận được Đơn kiến nghị lần 2 của nhà thầu. Tuy nhiên, ông Hải khẳng định là Ban sẽ không xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu. Việc loại nhà thầu của Ban là dựa vào yêu cầu của hồ sơ mời thầu và văn bản xác nhận lần 1 của Cục Thuế thành phố Hà Nội. Sau đó (ngày 10/1/2018), Cục Thuế lại ban hành 1 văn bản xác nhận là nhà thầu không nợ thuế tính đến ngày 31/10/2017. Bản chất là Cục Thuế thành phố Hà Nội đã ban hành 2 văn bản xác nhận nợ thuế “đá nhau” và Cục Thuế này phải chịu trách nhiệm. Quan điểm chấm HSDT của Ban là “y án tại hồ sơ” và hiện tại Ban đã chọn nhà thầu trúng thầu nên sẽ không xem xét đánh giá lại HSDT của các nhà thầu bị loại. Còn về việc có nhà thầu phản ánh là mới nhận được thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu vào ngày 24/1/2018, trong khi văn bản đề ngày phát hành là 3/1/2018 thì ông Hải cho rằng, đó là “lỗi” của bưu điện. 

Các nhà thầu có thể khởi kiện ra tòa án

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu bị loại đều bày tỏ bức xúc trước “cung cách” ứng xử của Bên mời thầu. Các nhà thầu cho rằng, hàng loạt biểu hiện của Bên mời thầu như: đóng/mở hồ sơ đề xuất tài chính vào “giờ hiểm”, cố tình không thông báo cho các nhà thầu bị loại biết về việc này; vội vàng chọn nhà thầu trúng thầu và không cho 4 nhà thầu bị loại làm rõ lý do bị loại; không xem xét kiến nghị của các nhà thầu… đã cho thấy việc Bên mời thầu chọn nhà thầu trúng thầu là có chủ đích từ trước và không tạo công bằng cho các nhà thầu khác trong quá trình tham dự thầu. Chính vì vậy, các nhà thầu đành tiếp tục kiến nghị Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và các cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét và có những chỉ đạo kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà thầu.

Trong một lần trả lời phóng viên Báo Đấu thầu về việc vì sao Bên mời thầu “vội vàng” mở hồ sơ đề xuất tài chính mà không đợi phản hồi hoặc sự tham gia của các nhà thầu bị loại, ông Nông Văn Hải cho rằng, Bên mời thầu không có trách nhiệm phải mời những nhà thầu bị trượt ở bước đánh giá hồ sơ về mặt kỹ thuật tham dự Lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính.

Về câu chuyện này, TS. Nguyễn Việt Hùng – nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, việc các kiến nghị của nhà thầu không được giải quyết thỏa đáng, loại nhà thầu với những lý do không chính yếu (loại vì lý do nợ thuế là 1 ví dụ mà không cho nhà thầu làm rõ đúng sai)… chính là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện kéo dài hiện nay. Ở những gói thầu có quy mô hàng trăm tỷ đồng mà Bên mời thầu thì “im hơi lặng tiếng”, các cá nhân, cơ quan có chức năng vào cuộc muộn mằn thì quyền lợi chính đáng của nhà thầu sẽ không được bảo vệ và tôn trọng, niềm tin vào việc đấu thầu công khai, minh bạch của các nhà thầu sẽ bị giảm sút. Và cách duy nhất của các nhà thầu trong trường hợp này là khởi kiện ra tòa án để làm rõ trắng đen, tìm lại công bằng và lẽ phải cho chính mình.

Tin cùng chuyên mục