Ngân hàng Thế giới khẳng định, quá trình lựa chọn nhà thầu tại Gói thầu XL-02 thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 tuân thủ theo Hướng dẫn đấu thầu mua sắm đã thống nhất theo các thỏa thuận pháp lý với Việt Nam. Ảnh: Song Lê |
Đây là ý kiến thẳng thắn của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về Gói thầu XL-02 thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2. Những kiến nghị kéo dài đã khiến gói thầu trị giá hơn 7.000 tỷ đồng này “án binh bất động” dù đã ký hợp đồng hơn nửa năm.
Liên danh Acciona - Vinci trúng thầu là đúng quy định
UBND TP.HCM đã có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị của Liên danh Samsung - Kolon - TSK và Liên danh Suez - Posco đối với kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) Gói thầu XL-02 Thiết kế - thi công - vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc dự án nêu trên.
Trước đó, trong tháng 3/2019, Ban Quản lý đầu tư Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - CĐT Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 do WB tài trợ, đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu.
Theo công bố của CĐT, nhà thầu trúng thầu là Liên danh Acciona Agua - Vinci Construction Grandas Project (Liên danh Acciona - Vinci). Gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế có sơ tuyển (ICB). Giá gói thầu được phê duyệt là 307.300.300 USD. Giá trúng thầu là 9.088.557,95 USD, 77.261.975,27 EUR và 3.208.347.299.774 VND (đã bao gồm thuế VAT và chi phí dự phòng).
Danh sách ngắn các nhà thầu tham dự Gói thầu gồm 7 nhà thầu.
Theo kết quả mở thầu vào tháng 8/2017, có 3 liên danh nhà thầu nước ngoài có giá thấp hơn giá gói thầu và được cân nhắc lựa chọn là: Liên danh Samsung - Kolon - TSK; Liên danh Acciona - Vinci và Liên danh SUEZ - Posco. Giá dự thầu của các nhà thầu này lần lượt là 186,8 triệu USD; 205,8 triệu USD và 215,4 triệu USD.
Ngay sau khi KQLCNT được công bố, đã có nhiều văn bản kiến nghị của hai liên danh nhà thầu còn lại. TP.HCM đã xem xét và có nhiều cuộc họp với WB, từ đó có trả lời chính thức.
Cụ thể, TP.HCM và WB bảo lưu quan điểm khi loại Liên danh Samsung - Kolon - TSK với lý do “xung đột lợi ích”, theo đúng như kết luận của WB trước đây là “Công ty TSK thuộc Liên danh có xung đột với ích với công ty tư vấn đấu thầu của Gói thầu là Công ty Nippon Koei (NK)”. Liên danh kiến nghị khẳng định, tại thời điểm xác minh, TSK chỉ nắm giữ 2,32% cổ phần ở NK, do đó, TSK không thể áp đặt ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NK với tỷ lệ cổ phần như trên.
Tuy nhiên, WB cho rằng, đánh giá về vấn đề xung đột lợi ích giữa Liên danh Samsung - Kolon - TSK và Tư vấn đấu thầu NK đã tuân theo Hướng dẫn đấu thầu mua sắm của WB. Bên cạnh đó, quá trình tuyển chọn và kết quả tuyển chọn tư vấn TV-10 đã được đăng tải công khai. Các tài liệu trong quá trình đấu thầu (hồ sơ mời thầu - HSMT, biên bản họp mở thầu…) đã được phát hành cho các nhà thầu tham dự Gói thầu đều có tên, chữ ký người đại diện và con dấu của NK. Như vậy, Liên danh Samsung - Kolon - TSK đã biết về Tư vấn đấu thầu TV-10 là NK.
Trong khi đó, HSMT cũng quy định rõ về “xung đột lợi ích”. Do đó, CĐT xác định Liên danh Samsung - Kolon - TSK có mâu thuẫn lợi ích với Tư vấn đấu thầu là có cơ sở.
TP.HCM cũng cho biết, kiến nghị của Liên danh Suez - Posco về việc đánh giá các hồ sơ dự thầu (HSDT) chỉ xem xét về giá, không xem xét về công nghệ là không có cơ sở. Theo đó, báo cáo của Tư vấn đấu thầu TV-05 (Công ty AFC) khẳng định HSDT của Liên danh Suezz - Posco “đạt” theo yêu cầu của HSMT về công nghệ, các yêu cầu kỹ thuật và chất lượng nước thải đầu ra. Liên danh này không được lựa chọn là do có giá dự thầu cao hơn Liên danh Acciona - Vinci.
Bên cạnh đó, TP.HCM đã phản hồi kiến nghị cho rằng công nghệ MBBR của Liên danh Acciona - Vinci không đạt theo yêu cầu của HSMT, vì không phải là một trong ba công nghệ CAS (bùn hoạt tính truyền thống), SBR (phản ứng sinh học theo mẻ) và BF (lọc sinh học) hoặc là biến thể của một trong ba công nghệ vừa nêu. Theo đó, sau khi tham vấn các cơ quan chuyên môn và chuyên gia trong lĩnh vực xử lý nước thải, TP.HCM đã khẳng định, công nghệ MBBR của Liên danh Acciona - Vinci đề xuất trong HSDT là biến thể của các công nghệ nêu trong HSMT.
WB cảnh báo nhiều rủi ro nếu không sớm thi công
Ngày 25/9/2019, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM. Cần nhắc lại rằng, vào các ngày 5/8 và 23/9/2019, WB đã có tới hai Thư khẳng định quá trình lựa chọn nhà thầu đã được thực hiện tuân thủ theo Hướng dẫn đấu thầu mua sắm đã thống nhất theo các thỏa thuận pháp lý giữa Việt Nam và WB.
Tại cuộc họp ngày 25/9/2019, WB tái khẳng định, Gói thầu XL-02 là gói thầu lớn, quan trọng, đấu thầu phức tạp và rất khó khăn, tốn nhiều thời gian để thực hiện (Báo Đấu thầu đã có bài viết về hành trình gian nan của quá trình lựa chọn nhà thầu tại gói thầu này). “Từng bước của quá trình đã tuân thủ theo đúng Hướng dẫn đấu thầu mua sắm của WB, kết quả từng bước đấu thầu cũng đã được các chuyên gia cao cấp nhất về đấu thầu, luật sư của Văn phòng chính WB xem xét, thông qua, đã đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng trong đấu thầu” - đại diện WB xác nhận.
“WB sẽ không thay đổi các quyết định đã được xem xét kỹ lưỡng của mình. WB đã và đang tiếp tục phối hợp với TP.HCM xử lý khiếu kiện. WB đề nghị việc xử lý khiếu kiện tiến hành song song, tách biệt việc thực hiện hợp đồng. Theo đó, Hợp đồng đã ký với Nhà thầu từ tháng 3/2019 nhưng đến nay vẫn chưa chi trả tạm ứng để công bố Hợp đồng có hiệu lực, tiến hành thực hiện Hợp đồng. WB cảnh báo sẽ có nhiều rủi ro nếu chậm triển khai thi công, kể cả việc WB xem xét tạm dừng gia hạn dự án, hoặc có thể dẫn tới các kiện tụng không mong muốn từ Liên danh trúng thầu”, đại diện WB khuyến cáo.