Gói thầu Mua sắm thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập cho Trường tiểu học Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã chọn được nhà thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Gói thầu nêu trên có giá dự toán 2,956 tỷ đồng, phạm vi mua sắm gồm các thiết bị phòng học như: bàn, ghế; đồ điện tử; đồ gia dụng; các loại máy văn phòng (máy vi tính, máy chiếu, máy in, máy scan)... Chủ đầu tư là UBND huyện Châu Thành, giao Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Tiền Giang làm Bên mời thầu.
Như Báo Đấu thầu đã phản ánh trong bài viết “Đấu thầu mua sắm hàng hóa: Tiếp diễn “chiêu thức” hạn chế nhà thầu” (số ra ngày 13/3/2023), tại lần mời thầu trước đó (từ ngày 1/3 - 11/3/2023), các nhà thầu liên tiếp có văn bản phản đối tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự được xem là nằm ngoài yêu cầu cần thiết của Gói thầu.
Kết quả, Gói thầu bị hủy thầu vào ngày 5/4/2023 do cả 2 nhà thầu tham dự (Công ty TNHH Công nghệ Nguyễn Thi, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Minh Tường Phát) cùng bị loại do không đáp ứng trọn vẹn các yêu cầu của HSMT.
Gói thầu được phát hành HSMT lần hai từ ngày 12 - 22/4/2023. Trong lần đấu thầu này, HSMT đã được điều chỉnh theo hướng lược bỏ toàn bộ các vị trí nhân sự chủ chốt, bảo đảm tuân thủ quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, gia tăng cạnh tranh. Tuy nhiên, Gói thầu vẫn tiếp tục gây tranh cãi về kết quả lựa chọn nhà thầu.
Theo quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 23/5/2023, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Minh Tường Phát trúng thầu với giá 2,378 tỷ đồng. Trong số 4 nhà thầu tham dự còn lại, Công ty TNHH Nhật Linh Đà Nẵng và Công ty TNHH Trang thiết bị Thái Dương bị loại về giá; Công ty TNHH Công nghệ Nguyễn Thi không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; Công ty CP Thiết bị và Khoa học kỹ thuật Đại Nam không đáp ứng năng lực, kinh nghiệm.
Ngày 26/5/2023, Công ty CP Thiết bị và Khoa học kỹ thuật Đại Nam có đơn kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu.
Theo báo cáo đánh giá được Bên mời thầu công bố, Nhà thầu Đại Nam bị loại do không đề xuất được 1 hợp đồng tương tự bao gồm các thiết bị, hàng hóa chính có đủ 6 mã HS, giá trị tối thiểu 2,07 tỷ đồng.
Phản đối đánh giá trên, Nhà thầu Đại Nam cho rằng, theo mẫu HSMT mua sắm hàng hóa được quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT và các hướng dẫn cụ thể, cố định trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, việc đánh giá hợp đồng tương tự được thực hiện như sau: có ít nhất 1 hợp đồng hoàn thành cung cấp đầy đủ các loại hàng hoá tương tự có giá trị đáp ứng tối thiểu theo yêu cầu, hoặc có các hạng mục hàng hóa tương tự đã thực hiện trong các hợp đồng khác nhau (hợp đồng có thể đã hoàn thành hoặc đang thực hiện, chưa nghiệm thu, thanh lý) nhưng bảo đảm giá trị của từng hạng mục hàng hóa tương tự đã thực hiện đáp ứng tối thiểu 70% giá trị của từng hạng mục hàng hóa trong gói thầu đang xét và tổng giá trị các hạng mục hàng hóa đã thực hiện phải đáp ứng giá trị tối thiểu theo yêu cầu.
Đối chiếu quy định trên, Đại Nam cho rằng, Nhà thầu có thể đề xuất các hợp đồng tương tự theo 2 phương án: một là cung cấp 1 hợp đồng tương tự có quy mô tối thiểu 2,07 tỷ đồng bao gồm cả 6 mã HS như yêu cầu; hai là cung cấp nhiều hợp đồng khác nhau, miễn là khi cộng dồn các hợp đồng này bảo đảm tương tự về mã HS và giá trị tương ứng của hạng mục hàng hóa đó tại gói thầu đang xét.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 30/5/2023, đại diện Bên mời thầu khẳng định tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu và bảo lưu kết quả lựa chọn nhà thầu đã công bố.
Theo chuyên gia về đấu thầu, về nguyên tắc, hợp đồng tương tự trong mua sắm hàng hóa có thể được cộng dồn về tính chất, điều này phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, trường hợp nhận thấy HSMT chưa rõ ràng, minh bạch, nhà thầu cần yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu làm rõ ngay từ thời điểm phát hành HSMT nhằm tăng tính chủ động trong quá trình dự thầu, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu.