Gói thầu thiết bị dạy học tại An Giang: Gia hạn vì phải sửa tiêu chí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu số 14+15 Cung cấp và lắp đặt thiết bị dạy học thuộc Dự án Trường THPT Vĩnh Xương do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Gói thầu phát sinh 2 văn bản đề nghị làm rõ và 1 kiến nghị của nhà thầu liên quan đến tiêu chí đánh giá hợp đồng tương tự và thông số kỹ thuật của hàng hóa.
Nhà thầu cho rằng thông số kỹ thuật mặt hàng máy vi tính định hướng cho hãng máy tính nhất định, cần điều chỉnh để tăng tính cạnh tranh. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Nhà thầu cho rằng thông số kỹ thuật mặt hàng máy vi tính định hướng cho hãng máy tính nhất định, cần điều chỉnh để tăng tính cạnh tranh. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Dự án Trường THPT Vĩnh Xương có tổng mức đầu tư 34,469 tỷ đồng. Trong đó, Gói thầu số 14+15 có giá 6,239 tỷ đồng, đóng thầu vào ngày 14/6/2024. Theo văn bản đề nghị làm rõ HSMT, nhà thầu đề nghị Bên mời thầu làm rõ tiêu chí đánh giá hợp đồng tương tự: Hợp đồng cung cấp đầy đủ các loại thiết bị văn phòng (bàn, ghế, tủ...), thiết bị điện tử, tin học và thiết bị giảng dạy các bộ môn thuộc trường THPT có giá trị ≥ 3,364 tỷ đồng. Hoặc nhà thầu có thể chứng minh bằng các hợp đồng khác nhau nhưng phải đảm bảo có tối thiểu 1 hợp đồng cung cấp thiết bị văn phòng (bàn, ghế, tủ...) có giá trị ≥ 1,287 tỷ đồng, 1 hợp đồng cung cấp thiết bị điện tử, tin học có giá trị ≥ 747 triệu đồng và 1 hợp đồng cung cấp thiết bị giảng dạy các bộ môn thuộc trường THPT có giá trị ≥ 1,33 tỷ đồng.

“Việc HSMT yêu cầu tính tương tự là thiết bị giảng dạy các bộ môn thuộc trường THPT là chưa phù hợp, gây hạn chế nhà thầu, bởi thiết bị dạy học các cấp học khác cũng mang tính tương tự là thiết bị dạy học. Do đó, chúng tôi đề xuất điều chỉnh thành “thiết bị giảng dạy các bộ môn”, nhà thầu cho biết.

Ngoài ra, Gói thầu cũng ghi nhận văn bản kiến nghị của nhà thầu liên quan đến tiêu chí đánh giá hợp đồng tương tự nêu trên. Bên cạnh đó, văn bản kiến nghị còn phản đối các thông số kỹ thuật đối với mặt hàng máy vi tính. Cụ thể, Chương V của HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp máy vi tính có mainboard: chipset tương đương H610 Express LGA1700S/p core i7+i5+i3, 6 x DIMM DDR4 3200/3000/2933/2800/2666MHz…

Theo nhà thầu, mainboard H610 phổ biến trên thị trường gồm thương hiệu: Gigabyte, MSI, Asrock… nhưng HSMT yêu cầu tới 6 khe RAM, 3xPCle/3.0x16 slot với máy tính để bàn phục vụ dạy và học, truy cập các ứng dụng cơ bản là vô lý, có tính định hướng cho hãng máy tính nào đó.

“Điều này vi phạm khoản a Phụ lục 08 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT khi quy định yêu cầu về kỹ thuật mà chỉ 1 sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng, trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu. Đây là sản phẩm máy tính sử dụng cho học sinh, giáo viên, dung lượng RAM chỉ cần 8GB, 16GB là đã dư tài nguyên bộ nhớ để sử dụng, các khe, cổng mở rộng chỉ cần 1 là quá đủ vì thực tế không sử dụng gây lãng phí. Nhà thầu cho rằng đây là các tiêu chí không phù hợp, cần điều chỉnh để tăng tính cạnh tranh, hiệu quả cho Gói thầu”, văn bản kiến nghị của nhà thầu nhấn mạnh.

Ngày 13/6/2024, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang. Đại diện ban này cho biết đã giao đơn vị tư vấn rà soát để sớm có văn bản phúc đáp nhà thầu. Đồng thời, tiến hành gia hạn thời điểm đóng thầu thêm 5 ngày, tức đến ngày 19/6/2024.

Chủ đầu tư cho biết thêm, sẽ cân nhắc về tiêu chí hợp đồng tương tự đối với hạng mục thiết bị giảng dạy các bộ môn THPT. “Thực tế, Chủ đầu tư tuân thủ theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2021/TT-BGDĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp THPT. Cũng là thiết bị giảng dạy nhưng để đáp ứng yêu cầu cho mỗi cấp, cần các tiêu chuẩn khác nhau. Tuy nhiên, nếu các nhà thầu phản ứng với tiêu chí này, chúng tôi sẽ nghiêm túc rà soát để điều chỉnh. Đối với khe RAM, sau khi kiểm tra các hãng sản xuất máy tính, chúng tôi đề xuất điều chỉnh từ 6 xuống còn 4 khe - đây là thông số mà nhiều hãng có thể đáp ứng”, đại diện Chủ đầu tư nói.

Theo một chuyên gia đấu thầu, đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, HSMT cần tuân thủ đúng các hướng dẫn của pháp luật về đấu thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu dự thầu. Các phản ánh có căn cứ của nhà thầu cần được tiếp thu và điều chỉnh kịp thời. Việc thẩm định HSMT cần chặt chẽ để tránh xảy ra sơ suất, hạn chế nhà thầu, dẫn tới kiến nghị, kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu.

Theo cập nhật của phóng viên Báo Đấu thầu, chiều 13/6/2024, Bên mời thầu đã công bố văn bản làm rõ HSMT, trong đó điều chỉnh yêu cầu của hợp đồng tương tự, thông số máy vi tính, đồng thời gia hạn thời điểm đóng thầu.

Tin cùng chuyên mục