Hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu đã hoàn thành dự án sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa từ năm 2014 đến nay. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Có ý kiến cho rằng, một số tiêu chí tại hồ sơ mời thầu (HSMT) không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu, gây hạn chế cạnh tranh.
Gói thầu có giá 7,561 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD); vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, do Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Phú Mỹ tư vấn lập HSMT, Công ty TNHH Xây dựng ATT Ninh Thuận thẩm định HSMT. Gói thầu dự kiến được mở thầu vào 10 giờ ngày 15/6/2024.
Trong văn bản phản ánh gửi Bên mời thầu và Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, HSMT gây khó ngay từ bước đánh giá tính hợp lệ của nhà thầu khi quy định: “Đơn vị tư vấn phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng gồm: (1) khảo sát xây dựng hạng I; (2) giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ có lĩnh vực đo đạc thành lập bản đồ công trình; (3) lập dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (thủy lợi, lâm nghiệp) hạng III; (4) lập dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông hạng III”.
Phản đối điều kiện này, Nhà thầu cho biết, đối với hoạt động khảo sát địa hình, đơn vị thực hiện chỉ cần có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, trong đó có hoạt động khảo sát địa hình. Còn giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ có lĩnh vực đo đạc thành lập bản đồ công trình chỉ bắt buộc đối với tổ chức thực hiện thành lập bản đồ địa hình phục vụ công tác quy hoạch xây dựng theo quy định tại Nghị định số 44/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng. Do đó, yêu cầu như tại HSMT là không phù hợp.
Liên quan đến hạng chứng chỉ, Nhà thầu cho rằng, việc yêu cầu tổ chức có chứng chỉ khảo sát xây dựng hạng I là không có cơ sở, bởi Dự án được phê duyệt bao gồm các công trình hạng III. “Với những điều kiện như vậy, nhiều nhà thầu có thể bị “sàng lọc” ngay từ bước đầu, dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện về tư cách hợp lệ theo quy định của Luật Đấu thầu”, Nhà thầu nhận định.
Về kinh nghiệm, HSMT yêu cầu nhà thầu đã thực hiện hoàn thành dự án sử dụng nguồn vốn ODA trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa từ năm 2014 đến nay, trong đó có 1 hợp đồng khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán lập BCNCKT công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (hệ thống tưới thủy lợi); 1 hợp đồng công trình giao thông (đường lâm nghiệp); 1 hợp đồng công trình giao thông (đường bê tông xi măng nông thôn). Đồng thời, các điều kiện này cũng được áp dụng để đánh giá nhân sự chủ chốt.
Nhà thầu cho rằng, HSMT phân biệt năng lực, kinh nghiệm của đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế “đường lâm nghiệp” và “đường bê tông xi măng nông thôn” là không thỏa đáng, có thể dẫn đến hạn chế nhà thầu, bởi hai dạng kết cấu công trình này là tương đồng về mặt kỹ thuật. Ngoài ra, việc quy định giới hạn nguồn vốn, địa bàn thực hiện hợp đồng tương tự có thể gây cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT.
Cũng theo phản ánh, nhà thầu tham dự gói thầu này phải đạt 100% điểm kỹ thuật (điểm tối đa) ở tất cả 4 mục quy định tại Chương III thì mới đủ điều kiện được đánh giá tài chính, điều này là bất hợp lý.
Ngày 5/6/2024, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Ban Chuẩn bị dự án Tam nông giai đoạn 2 tỉnh Ninh Thuận cho biết đang giao đơn vị tư vấn kiểm tra, rà soát và báo cáo, đề xuất Chủ đầu tư phê duyệt điều chỉnh HSMT nếu nhận thấy các nội dung phản ánh của nhà thầu là chính đáng.
Về cơ sở pháp lý xây dựng HSMT, vị đại diện này thông tin, Dự án có sử dụng vốn ODA, tuy nhiên, công tác chuẩn bị dự án, trong đó bao gồm lập, thẩm định, trình phê duyệt HSMT Gói thầu số 01 hoàn toàn thực hiện theo pháp luật đấu thầu Việt Nam, không phụ thuộc vào quy định của nhà tài trợ, không phải xin ý kiến không phản đối của nhà tài trợ trước khi thực hiện.
Theo chuyên gia đấu thầu, trong trường hợp này, HSMT áp dụng pháp luật Việt Nam, nên việc đưa ra các điều kiện giới hạn nguồn vốn thực hiện hợp đồng tương tự, địa bàn thực hiện hợp đồng tương tự, hay yêu cầu các dạng giấy phép mà pháp luật chuyên ngành không quy định bắt buộc, đều được coi là hạn chế sự tham gia của nhà thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu 2023.