Năm 2022, Cục Thuế Hà Nội được giao dự toán thu ngân sách nhà nước 289.750 tỷ đồng, chiếm trên 24% tổng thu ngân sách nội địa cả nước, đứng đầu toàn quốc. |
Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Chỉ thị số 11 nêu rõ dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, diễn biến phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của ngân sách nhà nước, đi đôi với nuôi dưỡng nguồn thu.
Cùng với đó, tập trung phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế đề thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Cơ quan thuế, hải quan chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan của thành phố chấp hành nghiêm việc lập dự toán thu ngân sách; chủ động rà soát, lập dự toán tích cực, sát thực tế phát sinh, tổng hợp đầy đủ các khoản thu ngân sách mới trên địa bàn.
Đồng thời, "phân tích, đánh giá cụ thể những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từng khoản thu, sắc thuế, trong đó tập trung đánh giá ảnh hưởng nguồn thu do tác động của các yếu tố khách quan về kinh tế chính trị thế giới, khu vực, tình hình biến động giá cả, thị trường, điều hành cung ứng, luân chuyển hàng hóa, sự phục hồi của kinh tế địa phương", Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội lưu ý.
Chính quyền Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Cùng với đó là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
"Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2023 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của ngân sách nhà nước bình quân tăng khoảng 7 - 9% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022, sau khi loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách", Chỉ thị số 11 nêu rõ.
Dự toán thu tiền sử dụng đất được xây dựng trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất.
Còn dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 phấn đấu tăng bình quân khoảng 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022.
Toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trong đó có nhà, đất, số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen. Theo đó, kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá cả nguyên vật liệu sản xuất, lạm phát có nguy cơ gia tăng. Tuy nhiên, trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định; dịch Covid 19 cơ bản được kiểm soát; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được triển khai; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên...
Kinh tế TP. Hà Nội duy trì tăng trưởng khá, tuy nhiên tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm. Thu hút đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh (PCI), thủ tục hành chính và dịch vụ công cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa tạo ra sự vượt trội so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước...