Ảnh Internet |
Trong bối cảnh phải thanh toán các khoản nợ đã tới hạn, không ngoại trừ khả năng 930 tỷ đồng trái phiếu này là một biện pháp đảo nợ của HAGL.
Nặng nợ
Cách đây tròn 1 năm, ngày 5/1/2016, cổ phiếu (CP) HAG của HAGL lần đầu tiên trong lịch sử đã giảm giá xuống mức dưới mệnh giá, chỉ còn 9.600 đồng/CP khi đóng cửa phiên giao dịch. Kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2008, phiên giao dịch ngày 5/1/2016 đánh dấu giai đoạn công ty của “bầu” Đức bắt đầu lâm vào thời kỳ khó khăn. Đóng cửa phiên giao dịch 5/1/2017, CP HAG đã giảm sâu 43,8% so với cách đây 1 năm, đạt mức giá 5.400 đồng/CP.
Tính đến cuối quý III/2016, HAGL có số dư nợ vay lên tới 25.848 tỷ đồng, trong đó 12.270 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. Tuy tổng nợ vay đã giảm 1.250 tỷ đồng so với số dư đầu năm, nhưng nợ vay ngắn hạn của HAGL lại tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đây là một áp lực nặng nề đối với Công ty khi tình hình kinh doanh chưa thực sự sáng sủa, dòng tiền chưa được cải thiện đáng kể so với đầu năm.
Nói nôm na, trong vòng 1 năm, nếu không thể cơ cấu các khoản nợ, HAGL buộc phải có ngay 12.270 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Đó là số tiền không nhỏ đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, không chỉ HAGL.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tháng 6/2016, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức hé lộ khả năng Công ty sẽ bán khoảng 20.000 ha cao su tại Lào để thanh toán các khoản nợ tới hạn. Số tiền dự kiến có thể thu về là 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, rừng cao su mà “bầu” Đức nhắc đến có vị trí chiến lược với 3 nước Đông Dương, do vậy không dễ dàng để một doanh nghiệp có thể quyết định việc mua bán, sang tên. Đặc biệt, khi đối tác Trung Quốc ngỏ ý mua cũng nhắm vào đất đai ở vị trí chiến lược hơn là giá trị kinh tế của loại cây được mệnh danh là vàng trắng này.
Nghi vấn đảo nợ
Một trong những mục tiêu hàng đầu của HAGL trong thời gian tới, như chia sẻ của lãnh đạo Công ty tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi tháng 9/2016 là tái cơ cấu nợ. Với một doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng vì nợ nần như HAGL, tiếp tục vay nợ không phải là quyết định khôn ngoan. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, chi phí lãi vay được hạch toán của HAGL đã lên tới 1.175 tỷ đồng, vượt quá lợi nhuận gộp thu được trong kỳ.
Ngoài ra, với tình trạng nợ nần của HAGL, khi hầu hết các tài sản giá trị đều đã được Công ty mang ra làm tài sản bảo đảm, CP (cũng là một tài sản đảm bảo) lao dốc, rót thêm tiền sẽ khiến các tổ chức tín dụng đối mặt với nợ xấu. Báo cáo tài chính soát xét bán niên của HAGL, đơn vị kiểm toán cũng đặt vấn đề nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL nếu việc tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu không được thực hiện.
Chính vì vậy, không ngoại trừ khả năng 930 tỷ đồng trái phiếu này là một biện pháp đảo nợ của HAGL. Đây là phương án khả thi với cả HAGL cũng như các tổ chức tín dụng là “chủ nợ” của Công ty. Về phía HAGL, Công ty sẽ giãn được các khoản nợ đến hạn. Với các tổ chức tín dụng, biện pháp này giúp họ tái cơ cấu các khoản nợ xấu.
Cũng cần lưu ý, kế hoạch phát hành trái phiếu khá bất ngờ này của HAGL được HĐQT Công ty thông qua vào ngày 23/12/2016 – 1 tuần trước khi thương vụ hoàn tất. Tuy nhiên, cả trên website của HALG lẫn Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nghị quyết này vẫn không được HAGL chính thức công bố.