Hài hòa lãi suất để giảm áp lực tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với các động thái can thiệp kịp thời và điều hành hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá USD/VND đã giảm đà tăng trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, áp lực tỷ giá sẽ còn lớn do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn ở mức cao. Do đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành khéo léo để hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá, góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ trong thời gian tới.
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 4% tại các ngân hàng thương mại và tăng hơn 5% trên thị trường tự do. Ảnh: Lê Tiên
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 4% tại các ngân hàng thương mại và tăng hơn 5% trên thị trường tự do. Ảnh: Lê Tiên

Áp lực tỷ giá còn lớn

Ngày 18/7, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 24.251 VND đổi 1 USD, giá bán USD tại Ngân hàng Vietcombank là 25.440 đồng, giá bán USD tại thị trường tự do phổ biến ở mức 25.641 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 4% tại các ngân hàng thương mại và tăng hơn 5% trên thị trường tự do. Trước đó, trong tháng 6/2024, giá bán USD có thời điểm lên đến gần 25.470 đồng tại các ngân hàng và vượt mức 26.000 đồng trên thị trường tự do.

Đánh giá về xu hướng này, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, tỷ giá USD/VND giảm đà tăng trong những ngày gần đây nhờ động thái điều hành chính sách tiền tệ hợp lý của NHNN. Trong đó, việc bán ngoại tệ can thiệp thị trường từ ngày 22/4 đã góp phần hút một lượng tiền VND lớn, ước tính khoảng 150 nghìn tỷ đồng, qua đó đẩy lãi suất trên thị trường tăng. Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, góp phần giảm áp lực tỷ giá trên thị trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, trong thời gian tới bởi chênh lệch lãi suất giữa USD và VND vẫn còn cao, rủi ro địa chính trị kéo dài dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn. Thêm vào đó, nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa có thể tăng cao trở lại vào cuối quý III, trước khi Fed chính thức đảo chiều lãi suất, khiến áp lực tỷ giá vẫn lớn.

Theo nhiều chuyên gia, giữ ổn định tỷ giá là nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay nên cần tiếp tục thực hiện chính sách điều hành linh hoạt về bơm/hút tiền trên thị trường, qua đó nâng dần mặt bằng lãi suất để giảm áp lực tỷ giá, đặc biệt ở thời điểm cuối quý III và cuối năm Dương lịch.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, diễn biến tỷ giá USD/VND nằm trong xu thế chung của toàn bộ các đồng tiền châu Á và những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển vốn liên kết chặt chẽ với sức khỏe đồng USD.

“Áp lực từ lãi suất USD tiếp tục được duy trì ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây, cùng với sức hấp dẫn từ các tài sản đầu tư gắn với USD sẽ tiếp tục là bài toán khó cho tất cả cơ quan quản lý các nước, cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng là nền kinh tế Mỹ cần có các đợt cắt giảm lãi suất liên tục”, ông Quang nhận định.

UOB duy trì quan điểm Fed sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất USD, mỗi lần 0,25 điểm % vào tháng 9 và tháng 12 năm 2024. Nếu dự báo này thành hiện thực thì đây sẽ là cơ sở thuận lợi để các nền kinh tế khác có thể cân nhắc cắt giảm hoặc không cần tăng lãi suất chính sách; áp lực tỷ giá lên các đồng tiền mới nổi cũng sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một khả năng rất cao là lãi suất USD sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Nguồn: NHNN, CTCK Rồng Việt

Nguồn: NHNN, CTCK Rồng Việt

Cân đối cung ngoại tệ, tăng kiểm soát giao dịch ngầm

Đánh giá về thị trường tiền tệ trong năm nay, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) nhận định, tỷ giá neo ở mức cao từ cuối tháng 3/2024 và nhiều khả năng áp lực tỷ giá còn kéo dài, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Áp lực tỷ giá lớn và có thể kéo dài do đồng USD vẫn có khả năng tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế khi Fed chưa xác định rõ thời điểm cắt giảm lãi suất, khiến chênh lệch lãi suất VND - USD tiếp tục duy trì ở mức cao; nhu cầu USD cho nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp tăng cao khi hoạt động kinh tế phục hồi (6 tháng đầu năm 2024, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD); tỷ giá thị trường tự do cao hơn cận trên của biên độ (5%) cho thấy nhu cầu USD tự do vẫn ở mức cao; các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán có thể làm tăng nhu cầu ngoại tệ trên thị trường.

UBGSTCQG kiến nghị, cần tiếp tục giữ ổn định tỷ giá thông qua sử dụng các công cụ phù hợp để cân đối nguồn cung ngoại tệ và VND; tăng cường kiểm soát giao dịch ngoại tệ ngầm, như theo dõi, giám sát chặt chẽ các quầy thu đổi ngoại tệ để kịp thời thu hồi giấy phép trong trường hợp phát hiện hiện tượng mua bán ngoại tệ bất hợp pháp nhằm hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Tại Hội thảo “Đón đầu chu kỳ phục hồi” diễn ra gần đây, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế thuộc Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, áp lực tỷ giá gia tăng chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa USD và VND. Do đó, để cân đối được áp lực của tỷ giá, cần giải bài toán hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá.

“Nếu để tỷ giá tăng tiếp thì ảnh hưởng đến nhiều mặt của nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát. Tuy nhiên, trong bối cảnh phải duy trì lãi suất ở mức tương đối thấp để đẩy vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng thì việc tăng lãi suất để ổn định tỷ giá là không dễ dàng, đòi hỏi sự điều hành rất thận trọng và khéo léo của NHNN, cân nhắc mức độ và thời điểm thực hiện các biện pháp can thiệp để bảo đảm hiệu quả tốt nhất”, ông Tú Anh nêu quan điểm.

Về phía NHNN, đại diện cơ quan này cho biết, để ứng phó với áp lực mất giá của đồng nội tệ, ngân hàng trung ương các nước có hai lựa chọn là bán ngoại tệ can thiệp hoặc tăng lãi suất đồng nội tệ, NHNN đã sử dụng linh hoạt cả hai công cụ này. NHNN dự báo áp lực tỷ giá có thể giảm bớt trong nửa cuối năm song vẫn là thách thức lớn. Cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, kịp thời, hài hòa với lãi suất.

Tin cùng chuyên mục