Hai mặt của huy động vốn

(BĐT) - Cho đến nay, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang phát triển với mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, tức là chủ yếu dựa vào huy động vốn kết hợp với lao động giá rẻ dư thừa từ khu vực nông nghiệp, nông thôn để gia tăng sản lượng. 
Kiều hối là nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiều năm qua
Kiều hối là nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiều năm qua

Bởi vậy, về mặt lý thuyết, huy động vốn càng nhiều thì tăng trưởng kinh tế đạt được sẽ càng cao. Mặc dù vậy, tăng huy động vốn, trong nhiều trường hợp, đồng nghĩa với tăng quy mô vay nợ. Do đó, nếu các nguồn vốn huy động không được phân bổ và sử dụng hiệu quả, gánh nặng nợ nần sẽ ngày càng cao và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Từ mặt tích cực

Tại Việt Nam, kể từ khi thực hiện đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến công tác huy động vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực (1988), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nếu như trong năm 1991, số vốn FDI thực hiện chỉ khoảng hơn 400 triệu USD, thì đến năm 2000 đã đạt mức 1,3 tỷ USD, còn đến năm 2017 con số ước tính vào khoảng hơn 17 tỷ USD, tức là gấp khoảng 40 lần so với hồi đầu thập kỷ 90.

Nguồn vốn thứ hai cho phát triển kinh tế rất được quan tâm là tín dụng ngân hàng. Tốc độ tăng trưởng của nguồn vốn này thậm chí còn ấn tượng hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn FDI. Chỉ tính trong giai đoạn 2000 - 2016, tổng tín dụng của nền kinh tế đã tăng khoảng 40 lần, từ mức hơn 155 nghìn tỷ đồng lên mức hơn 6,3 triệu tỷ đồng; trong đó tín dụng cho khu vực doanh nghiệp khoảng gần 5,6 triệu tỷ đồng, còn tín dụng cho Chính phủ khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng. Tính trung bình, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt khoảng 26%/năm trong giai đoạn này. Nếu trừ đi tốc độ lạm phát, khoảng 7%/năm, thì con số 19% vẫn lớn hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng GDP thực khoảng 6,5%/năm. Năm 2017, tổng tín dụng được ước tính tăng thêm khoảng hơn 18%, lên mức hơn 7 triệu tỷ đồng.

Kiều hối cũng là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế trong nhiều năm qua. Kể từ năm 2000 đến nay, lượng kiều hối gửi về Việt Nam đã tăng 10 lần, từ mức 1,34 tỷ USD lên mức 13,78 tỷ USD. Như vậy, lượng kiều hối gửi về hàng năm cũng gần tương đương với lượng vốn FDI giải ngân hàng năm.

Sự gia tăng mạnh mẽ của FDI, tín dụng ngân hàng và kiều hối là những nguồn lực quan trọng để nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 6,5%/năm trong suốt 2 thập kỷ qua, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm mới. Cụ thể, số lượng lao động làm việc tại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ mức 358,5 nghìn người vào năm 2000 lên mức 2,33 triệu người vào năm 2016, tức là tăng với tốc độ trung bình hơn 12%/năm.

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng và kiều hối cũng đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư và tạo việc làm tại các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là tại khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Từ năm 2000 đến năm 2016, số lượng lao động tại khu vực kinh tế này đã tăng từ mức 32,4 triệu người lên mức 45,7 triệu người, tức là trung bình mỗi năm khu vực kinh tế ngoài nhà nước tạo ra được khoảng hơn 800 nghìn việc làm mới, trong khi khu vực kinh tế nhà nước chỉ tạo ra chưa đến 1 triệu việc làm mới trong cả giai đoạn nói trên. 

Bên cạnh các nguồn vốn nói trên, vay nợ nước ngoài cũng là nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2001 - 2015, quy mô dư nợ vay nước ngoài của Chính phủ, trong đó vay ODA và vay ưu đãi chiếm trên 94%, đã tăng 6,5 lần lên mức 39,6 tỷ USD, còn vay nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp vào cuối năm 2015 cũng khoảng 41,2 tỷ USD.

Khác với các nguồn vốn tư nhân, phần lớn các nguồn vốn do Chính phủ vay chủ yếu được sử dụng để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tức là tạo điều kiện để khu vực doanh nghiệp phát triển. Nói ngắn gọn, các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước chủ yếu đóng góp gián tiếp cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người lao động. 

Đến những rủi ro

Mặc dù tăng huy động vốn là rất cần thiết để nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng những rủi ro đi kèm cũng không nhỏ và cần được quản lý chặt chẽ.

Rủi ro trước tiên là sự suy giảm tính hiệu quả của đầu tư khi tăng huy động vốn. Tại mỗi thời điểm, các cơ hội đầu tư và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế là có hạn. Nếu lượng vốn được huy động quá nhanh, quá nhiều và không sử dụng hết, hoặc sử dụng không đúng chỗ, sẽ dẫn đến lãng phí. Có rất nhiều ví dụ minh chứng cho tình trạng phân bổ và sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả tại Việt Nam khi vốn đầu tư tăng nhanh. Chẳng hạn, việc nhiều doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành dầu khí đạt lợi nhuận lớn trong giai đoạn giá dầu cao, nhưng đã đầu tư vào các dự án ngoài ngành kém hiệu quả, có mức sinh lời thấp, dẫn đến kết quả là rơi vào tình trạng bị thua lỗ nặng nề trong giai đoạn sau đó khi giá dầu thấp.

Rủi ro thứ hai là sự bất ổn về kinh tế vĩ mô. Huy động vốn và cho vay tăng quá nhanh trong một giai đoạn ngắn có thể dẫn đến lạm phát cao do sức mua tăng mạnh trong khi nguồn cung hàng hóa chưa kịp đáp ứng. Lạm phát cao lại kéo theo những bất ổn về tỷ giá hối đoái, bong bóng tài sản. Thực tế tại Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2011 là minh chứng thuyết phục cho thấy khi huy động vốn và tín dụng ngân hàng tăng tới hơn 30%/năm trong một giai đoạn dài, thì lạm phát cũng đạt mức 2 con số, VND bị mất giá mạnh so với USD, còn thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản thì tăng nóng.

Rủi ro thứ ba là sự gia tăng quy mô nợ nần trong nền kinh tế sẽ cản trở đầu tư trong tương lai. Huy động nhiều vốn trong nhiều trường hợp cũng có nghĩa là vay nợ nhiều và dẫn đến nguy cơ phải thắt chặt chi tiêu trong tương lai vì phải để dành tiền cho việc trả nợ.

Trong những năm qua, tỷ lệ nợ của cả khu vực công lẫn khu vực tư tại Việt Nam đều tăng mạnh. Nợ công tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2000 - 2015, hiện ước tính ở mức 62,6% GDP năm 2017. Tỷ lệ tín dụng ngân hàng cho khu vực tư nhân so với GDP đã tăng hơn 3 lần, từ mức 35% năm 2000 lên mức 123,8% năm 2016 và ước tính đạt khoảng 130% trong năm 2017. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang vay nợ một khoản lớn hơn 1,3 lần so với thu nhập hàng năm mà mình tạo ra. Đó là chưa kể đến khoản nợ xấu quy mô 500 - 600 nghìn tỷ chưa được giải quyết triệt để, đòi hỏi các doanh nghiệp và ngân hàng phải trích lợi nhuận hàng năm để xử lý.

Tình trạng nợ công và nợ ngân hàng cao hiện nay đang là nguyên nhân chính cản trở đầu tư nhà nước cũng như đầu tư tư nhân. Tổng đầu tư toàn xã hội so với GDP trong giai đoạn 2012 - 2017 đã giảm xuống còn 31,9% so với mức 38,2% trong giai đoạn 2005 - 2011. Sự sụt giảm của đầu tư cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa qua. 

Và triển vọng

Theo các số liệu được công bố, quy mô nợ công hiện nay của Việt Nam vào khoảng 3,1 triệu tỷ đồng, tương đương với 62,6% GDP. Với lãi suất huy động trung bình khoảng 6%/năm, Chính phủ đang phải trả nợ lãi hơn 180 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương đương với hơn 3,7% GDP.

Ngân hàng Thế giới cho rằng, quy mô trả nợ lãi cao hiện nay đang lấn át các khoản chi khác như chi cho đầu tư phát triển. Bởi vậy, có thể thấy rằng, với việc nợ công đã gần đạt mức trần 65% Quốc hội cho phép, huy động vốn cho phát triển kinh tế thông qua vay nợ của Chính phủ đã không còn nhiều dư địa để thực hiện. Nếu Quốc hội không nới trần nợ công, chi cho đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách sẽ chỉ có thể gia tăng nếu bộ máy hành chính được cắt giảm mạnh để từ đó giảm các khoản chi thường xuyên chiếm tới hơn 2/3 ngân sách nhà nước.

Về tín dụng ngân hàng, số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ lệ tín dụng so với GDP của Việt Nam hiện nay đã ở mức cao so với các nước trong khu vực ASEAN khi ngang bằng với Malaysia, Singapore và Thái Lan, đồng thời cao hơn nhiều so với Indonesia và Philippines. Điều đó có nghĩa rằng, kênh huy động vốn này cũng không thể đạt tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai.         

Giả sử, nếu tốc độ huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng trong những năm tới vẫn duy trì ở mức 18% và tăng trưởng GDP danh nghĩa chỉ tăng 11% như năm 2017 (tăng trưởng GDP 7% cộng với lạm phát 4%), thì chỉ sau chưa đến 10 năm nữa, tỷ lệ tín dụng so với GDP của Việt Nam sẽ vượt mức 200% và thuộc hàng cao nhất thế giới. Nhưng đó cũng là một gánh nặng nợ lớn cho người đi vay.

Về FDI và kiều hối, các nguồn vốn này tăng tương đối ổn định kể từ năm 2000 đến nay và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng ổn định trong tương lai.

Như vậy, trong các kênh huy động vốn kể trên, gần như không có kênh nào có thể tạo nên sự đột biến về huy động vốn trong tương lai. Huy động vốn thông qua ngân sách và ngân hàng bị quy mô nợ hiện nay giới hạn. Huy động vốn thông qua FDI và kiều hối, mặc dù không làm tăng nợ, nhưng các số liệu trong quá khứ cho thấy không nên kỳ vọng vào sự đột biến.

Trên thực tế, tại Việt Nam, các kênh huy động vốn thông qua thị trường bảo hiểm và thị trường cổ phiếu còn nhiều tiềm năng để phát triển. Mặc dù vậy, các kênh này sẽ cạnh tranh với hệ thống ngân hàng, tức là nếu tỷ trọng huy động vốn thông qua các thị trường này tăng lên, thì tỷ trọng huy động vốn thông qua các tổ chức tín dụng sẽ giảm xuống. Nguyên nhân chính là quy mô tiết kiệm của nền kinh tế luôn là con số hữu hạn.

Tóm lại, trong những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực đẩy mạnh huy động vốn cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến nay, các kênh huy động vốn thông qua vay nợ như ngân sách, tín dụng ngân hàng đều đã tới hạn. Bởi vậy, bên cạnh các kênh huy động không làm tăng nợ như FDI, kiều hối, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào thị trường cổ phiếu để huy động vốn trong tương lai.

Mặc dù vậy, các nguồn lực trong nước luôn bị giới hạn bởi tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế. Vì thế, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai, ngoài việc khuyến khích người dân tăng tiết kiệm để đầu tư, cần phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng dựa nhiều hơn vào lao động lành nghề cũng như các tiến bộ về khoa học và công nghệ.

Tin cùng chuyên mục